(VOV5)- Hôm nay, Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân Việt Nam kỷ niệm 65 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định chọn ngày 27-7 hằng năm là Ngày Thương binh liệt sỹ. Nhiều hoạt động chăm sóc người có công được tổ chức. Đúng dịp này, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng được Chủ tịch nước ký lệnh công bố, hoàn thiện hệ thống chính sách đối với người có công với cách mạng của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Trong số 23 điều được sửa đổi của Pháp Lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công, nội dung quan trọng nhất là người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, trước kia được hưởng trợ cấp một lần, nay được chuyển sang hưởng trợ cấp hằng tháng. Nhà nước cũng thực hiện trợ cấp cho người phục vụ bà mẹ VN anh hùng, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên. Theo tính toán, khoảng 90.000 người có công sẽ được hưởng khoản trợ cấp này. Một số chế độ ưu đãi mới như chế độ trợ cấp cho thân nhân liệt sỹ, chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân của người có công… cũng được bổ sung, mở rộng, theo những quy định của Pháp lệnh này.
Tượng đài nghĩa trang liệt sĩ tại Huế
Tại Việt Nam hiện có hơn 8,8 triệu người có công, chiếm gần 10% dân số. Tính đến nay, hệ thống chính sách đối với người có công ở Việt Nam đã hoàn thiện, làm cơ sở cho hoạt động “ đền ơn, đáp nghĩa” ngày càng lan tỏa và đi vào chiều sâu. Ðến nay, cả nước có 95% số xã, phường đạt tiêu chuẩn xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công.Các bộ, ban, ngành, địa phương đã có nhiều việc làm thiết thực giúp đỡ gia đình người có công với cách mạng. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã nhận phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhận đỡ đầu con thương binh, thân nhân liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn.Tỉnh Quảng Nam, một trong những địa phương có nhiều người có công đến nay đã cơ bản xác nhận được công tác người có công theo quy định, công tác chăm sóc người có công với cách mạng được xã hội hóa sâu rộng. Ông Nguyễn Đức Hải, Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam, cho biết: "Tỉnh Quảng Nam triển khai rất nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, quan tâm trực tiếp đến đối tượng chính sách, người có công ở những vùng khó khăn. Trước hết, chúng tôi thúc đẩy nhanh chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công, rà soát lại toàn bộ chính sách, đặc biệt là ở cơ sở, làm sao cho đúng, cho trúng và đến sớm đối với các đối tượng chính sách."
Bên cạnh sự quan tâm sâu sắc của Ðảng, Nhà nước và sự đùm bọc giúp đỡ của nhân dân, nhiều thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với nước đã không ngừng phấn đấu vươn lên trong học tập, công tác, lao động sản xuất, xứng đáng là những"công dân kiểu mẫu","gia đình cách mạng gương mẫu", là vốn quý của đất nước, là tấm gương sáng cho cộng đồng và xã hội noi theo. Nhờ đó, số gia đình chính sách có mức sống trung bình trở lên so với dân cư cùng địa bàn cư trú ngày một tăng, đạt hơn 96%. Bà Dương Thị Mộng, người có công ở tỉnh Yên Bái, khẳng định: "Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến những người có công nên chúng tôi cũng hiểu là chúng tôi phải làm thế nào để bù đắp lại được. Chúng tôi cũng cố gắng phát huy truyền thống sẵn có của gia đình mình và vận động, giáo dục con cháu làm tốt hơn xứng đáng với người có với cách mạng."
Trao tặng nhà tình nghĩa cho mẹ VN anh hùng tại huyện Bình Chánh, TP HCM
Từ thực tế những năm qua, Ðảng, Nhà nước Việt Nam đã và đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng theo hướng phù hợp sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khuyến khích cộng đồng xã hội đẩy mạnh và mở rộng hơn nữa phong trào "đền ơn, đáp nghĩa"; tiếp tục động viên các gia đình và bản thân người có công với nước vượt khó, vươn lên chăm lo và cải thiện cuộc sống của mình. Bên cạnh đó, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công và đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về phong trào "đền ơn, đáp nghĩa" sâu rộng trong nhân dân. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, phát biểu tại Hội nghị biểu dương người có công, mới đây, nêu rõ: "Mặc dù hết sức quan tâm giúp đỡ hỗ trợ nhưng cuộc sống của một bộ phận thương binh, những gia đình liệt sỹ, những người có công với cách mạng vẫn còn hết sức khó khăn. Nghị quyết Đại hội lần thứ 11 của Đảng cộng sản VN đã đề ra nhiệm vụ cần tiếp tục huy động mọi nguồn lực cùng với nhà nước chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của những người có công và gia đình người có công, giải quyết dứt điểm những tồn đọng của chính sách đối với người có công, tạo điều kiện để những người có công tích cực tham gia phát triển kinh tế để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, có mức sống cao hơn mức sống trung bình của người dân trên địa bàn."
Như vậy, kể từ năm 2013, tất cả các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng sẽ được thực hiện toàn diện ở Việt Nam. Ngoài các nội dung ưu đãi người có công như trong Pháp lệnh ưu đãi người có công, Nhà nước sẽ có chương trình chi thêm 700 tỷ VND để hỗ trợ người có công còn khó khăn về nhà ở. Dự kiến, tổng ngân sách nhà nước chi cho hoạt động này năm 2013 sẽ là hơn 36.000 tỷ VND. Với nhiều hình thức, biện pháp và cách làm sáng tạo của các cấp, các ngành, địa phương, việc chăm lo cuộc sống người có công với cách mạng sẽ được thực hiện tốt hơn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.