Tích cực triển khai đưa Hiến pháp vào cuộc sống

(VOV5) - Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Đến nay, sau 2 tháng có hiệu lực, hàng loạt bộ, ngành, địa phương triển khai những hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm thể chế hoá nội dung cơ bản của đạo luật gốc này. 

Tích cực triển khai đưa Hiến pháp vào cuộc sống - ảnh 1
Báo chí có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền thi hành Hiến pháp (Ảnh: Báo Hà Nội mới)


Yêu cầu đặt ra đối với việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp là phải đồng bộ, thống nhất và hiệu quả. Trên tinh thần này, từ đầu năm đến nay, nhiều bộ, ngành, địa phương đã có kế hoạch cụ thể, chủ yếu tập trung tuyên truyền những nội dung nổi bật của Hiến pháp, rà soát lại các văn bản pháp luật, tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ pháp chế.


Nhiệm vụ trọng tâm trong năm của bộ, ngành, địa phương


Triển khai đưa Hiến pháp vào cuộc sống được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của bộ máy hành chính Nhà nước. Đầu tháng 3 này, tại Bộ tư pháp, cơ quan quản lý Nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật, sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến giới thiệu, phổ biến về những nội dung cơ bản của Hiến pháp cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Tiếp đó là tập huấn chuyên sâu về nội dung của Hiến pháp cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của Bộ Tư pháp; lãnh đạo, thủ trưởng tổ chức pháp chế của các Bộ, ngành. Cũng trong năm 2014, cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về nội dung và ý nghĩa của đạo luật gốc này sẽ được Bộ tư pháp triển khai. Song song với đó là các buổi hội thảo nghiên cứu, bình luận khoa học về Hiến pháp với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học.


Là cơ quan tư pháp, có nhiệm vụ thi hành và kiểm sát việc thi hành Hiến pháp,Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đang triển khai nhiều hoạt động để thực hiện trọng trách này. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết: "Chúng tôi triển khai tới toàn bộ cán bộ công nhân viên chức trong ngành nội dung mới của Hiến pháp. Lãnh đạo ngành xác định đây là một quá trình tìm hiểu, nghiên cứu dưới nhiều hình thức khác nhau, kể cả việc tự nghiên cứu của mỗi cán bộ. Là những cán bộ thực thi pháp luật, kiểm sát viên cũng phải tuyên truyền cho công chúng về Hiến pháp Viện kiểm sát cũng sẽ tổ chức nghiên cứu, giảng dạy nội dung mới của Hiến pháp trong các cơ sở đào tạo của ngành để các kiểm sát viên tương lai nắm chắc đạo luật gốc. Đối với việc xây dựng văn bản pháp luật phù hợp với Hiến pháp, Viện kiểm sát chủ trì soạn thảo 2 bộ luật quan trọng là bộ luật Tố tụng hình sự và luật Tổ chức Viện kiểm sát. Hiện nay, chúng tôi đã đưa lên mạng internet bản dự thảo để lấy ý kiến nhân dân".


Trong khi đó, tại địa phương, nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp, tổ chức các hội nghị trực tuyến tuyên truyền về nội dung Hiến pháp. Tại tỉnh Thái Bình, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tiến hành rà soát toàn diện, đồng bộ các văn bản pháp luật đã ban hành. Trong quá trình này, ưu tiên sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước và các thiết chế khác trong hệ thống chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.


Tại tỉnh Quảng Nam, ngoài Hội nghị ở cấp tỉnh,  Cơ quan Thường trực Hội đồng nhân dân phối hợp tổ chức 18 hội nghị tại các địa phương để triển khai quán triệt nội dung Hiến pháp 2013 cho cán bộ chủ chốt và báo cáo viên cấp huyện. Song song với hình thức tuyên truyền trực tiếp, tỉnh dự kiến tổ chức tư vấn pháp luật trên cổng thông tin điện tử; biên soạn tờ gấp, sổ tay tuyên truyền.


Thuận lợi và thách thức khi triển khai thi hành Hiến pháp


Triển khai thi hành Hiến pháp là công việc khổng lồ. Trong quá trình này, Việt Nam phải đối mặt với không ít thách thức, trong đó phải kể đến ý thức pháp luật của người dân chưa cao. Hệ thống pháp luật bộc lộ nhiều bất cập, cần sửa đổi mạnh mẽ. Song song với đó là tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều khó khăn trong quá trình Việt Nam thực hiện những nội dung rất tiến bộ của bản Hiến pháp. Tuy nhiên, sau 2 tháng kể từ khi Hiến pháp có hiệu lực, với sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương bước đầu cho thấy việc đưa đạo luật gốc vào cuộc sống được tiến hành tương đối toàn diện. Ông Lê Minh Thông, Phó chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội, nhận xét rằng: ”Thuận lợi lớn nhất là bản Hiến pháp được đón nhân với tinh thần ủng hộ tin tưởng của các tầng lớp nhân dân. Đồng thuận xã hội là thuận lợi to lớn trong triển khai. Thứ 2 là quyết tâm chính trị của các vị lãnh đạo Nhà nước, trách nhiệm chính trị, của các cơ quan nhà nước trước toàn xã hội về việc triển khai nghiêm túc thi hành Hiến pháp. Chính vì lẽ đó, ngay từ đầu năm, trong chương trình, kế hoạch hoạt động của tất cả các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, nhiệm vụ triển khai Hiến pháp được xem là 1 trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu”.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng nhất sau khi thông qua Hiến pháp là phải bảo đảm các nội dung của Hiến pháp thực sự đi vào đời sống. Những công việc mà các bộ, ngành, địa phương đang khẩn trương tiến hành để thực thi Hiến pháp sẽ góp phần tích cực vào sự phát triển toàn diện  và bền vững của đất nước trong thời kỳ đổi mới./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác