(VOV5) - Trải qua một năm nhiều kỷ lục, chào đón kinh tế Việt Nam trong năm 2018 là hàng loạt những cơ hội và cả thách thức.
Năm 2017 Việt Nam đạt được những thành tựu ấn tượng trong phát triển kinh tế. Nối tiếp đà tăng trưởng này, với mục tiêu phải tăng trưởng ít nhất 6,7% GDP, ngay ngày đầu tiên của năm 2018, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Trong khi đó, nhiều bộ, ngành cũng lên kế hoạch hiện thức hóa mục tiêu đặt ra.
Ảnh minh họa
|
Chính phủ xác định năm 2018 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2016-2020, có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu phát triển.
Nghị quyết 01 đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn để tiếp tục giữ vững những thành quả, những chỉ số về ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để tăng trưởng bền vững.
Thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ổn định chính sách tiền tệ
Trong thành công của năm 2017 có vai trò rất quan trọng của sản xuất kinh doanh. Vì vậy, ngoài việc tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để phát huy thế mạnh của doanh nghiệp tư nhân, năm 2018, Việt Nam cũng sẽ đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh.
Cụ thể, ngành công thương triển khai nhiều dự án, nhiệm vụ thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn đến năm 2020. Bộ cũng chỉ đạo các chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa và bình ổn thị trường; định hướng cho doanh nghiệp phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, tập trung trước hết vào các chuỗi hàng nông sản thực phẩm thiết yếu.
Ảnh minh họa
|
Ngoài ra, năm 2018, không thể bỏ lỡ các cơ hội hội nhập với kinh tế thế giới. Bộ trưởng Bộ công thương Trần Tuấn Anh nhìn nhận: "Cần tiếp tục đẩy mạnh hội nhập trong giai đoạn tới, nhất là đẩy nhanh tiến độ pháp lý trong đàm phán, ký kết và cả phê duyệt một số hiệp định thương mại tự do quan trọng trong để Việt Nam có dư địa phát triển mới. Đồng thời thông qua các cải cách trong khuôn khổ các Hiệp định này để tạo ra động lực mới, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển cũng như tạo động lực cho khu vực doanh nghiệp. Trong thực hiện các cam kết hội nhập, cần phải có cách tiếp cận và sự phối hợp của các bộ, ngành trong một tổng thể chung nhất".
Để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, Chính phủ cũng sẽ chú trọng đến việc điều hành chính sách tiền tệ. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết: "Năm 2018, Ngân hàng nhà nước sẽ hỗ trợ các tổ chức tín dụng đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu và hướng dẫn triển khai quyết liệt việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Thực hiện các giải pháp để nâng cao năng lực về tài chính,chất lượng tín dụng,tăng cường minh bạch của các tổ chức tín dụng phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn của Việt Nam.Bên cạnh đó Ngân hàng sẽ đẩy nhanh các chương trình tín dụng ưu đãi tập trung cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh,tiếp tục khuyến khích cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp sạch,đẩy nhanh chương trình kết nối Ngân hàng - doanh nghiệp".
Khai thác thế mạnh của du lịch
Năm 2017 thực sự là năm thành công và để lại nhiều dấu ấn của ngành du lịch Việt Nam với việc đón gần 13 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu khoảng 22 tỷ USD. Năm 2018, thương hiệu du lịch Việt Nam chính là lợi thế giúp ngành tiếp tục nâng cao vị thế, tên tuổi trên bản đồ du lịch quốc tế. Do đó vấn đề xúc tiến và quảng bá du lịch cần đi vào chiều sâu. Bộ trưởng Bộ văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: "Bộ triển khai việc đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và thực hiện đưa Luật du lịch sửa đổi đi vào cuộc sống, phấn đấu thực hiện mục tiêu đón trên 15 triệu lượt khách quốc tế. Bộ cũng tăng cường và đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá du lịch,phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng độc đáo, chất lượng, chuyên nghiệp. Giải quyết 4 điểm nghẽn chính sách: visa thuận lợi, quảng bá xúc tiến, kết nối hàng không và cải tiến dịch vụ mặt đất và quản lý dịch vụ điểm đến nhằm tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch".
Trải qua một năm nhiều kỷ lục, chào đón kinh tế Việt Nam trong năm 2018 là hàng loạt những cơ hội và cả thách thức. Tuy nhiên với sự chủ động của Chính phủ, các bộ, ngành, nền kinh tế Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng, hoàn thành mục tiêu đề ra.