Tiếp tục tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí

(VOV5) - Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam vừa ban hành kết luận Hội nghị lần thứ V: “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí” với 6 giải pháp lớn. Nghị quyết lần này đang mang đến cho đông đảo cán bộ đảng viên và nhân dân cả nước niềm tin, sự đồng thuận xã hội về quyết tâm của Đảng trong việc chống nạn tham nhũng. Phóng viên Thu Hoa trong bài viết:“Tiếp tục tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí” sẽ chuyển đến quý vị và các bạn những thông tin rõ hơn về vấn đề này.

Mặc dù ghi nhận kết quả bước đầu sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa 10 nhưng Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 5 khóa 11 cũng thẳn thắn nhìn nhận là công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt yêu cầu. “Tham nhũng lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành... gây bức xúc trong xã hội và thách thức đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước”. Chính vì vậy, Hội nghị Trung ương 5 đã đề ra 6 giải pháp để phòng chống tham nhũng lãng phí: “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; Hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế; Thực hiện nghiêm cơ chế chính sách về công tác tổ chức cán bộ; Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử; Tăng cường vai trò giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân; Đổi mới, nâng cao năng lực cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo và cơ quan thường trực, tham mưu về công tác phòng chống tham nhũng”. Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 5 khóa 11, Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Phải kiên trì và đẩy mạnh nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI). Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X), gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI). Chú trọng cả phòng và chống, cả phòng, chống tham nhũng và phòng, chống lãng phí. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền và người đứng đầu; bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế, xã hội; mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch; phát huy vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, nhân dân và công luận.


Tiếp tục tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí  - ảnh 1

                                (Minh họa: Ngọc Diệp) Theo Dantri

Cũng tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị; lập lại Ban Nội chính Trung ương, vừa thực hiện chức năng một ban đảng, đồng thời là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Đây được xem là quyết định mang tính đột phá, tạo sự thay đổi căn bản bộ máy tổ chức cũng như cơ chế vận hành để cơ quan này thực sự là công cụ đấu tranh hữu hiệu trong công cuộc phòng, chống tham nhũng.

Đấu tranh với tham nhũng cần có một bộ máy nghiêm minh và chuyên nghiệp. Nhiệm vụ này đang đòi hỏi trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ đứng đầu trong việc nói đi đôi với làm, không nể nang né tránh, do dự, chần chừ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Dư luận đề cao giải pháp này  trong phòng, chống tham nhũng. Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Chúng tôi có đề nghị trong công tác xem xét, đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở đảng hằng năm của cán bộ đảng viên thì xem công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng của từng tổ chức là một trong những tiêu chí xét để đánh giá, phân loại. Địa bàn đó, cấp ủy phải cương quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng thì mới thể hiện được niềm tin của các ngành, các cấp và nhân dân.

Đấu tranh phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong giai đoạn hiện nay, cán bộ, đảng viên trong tất cả tổ chức Đảng từ trung ương đến cơ sở đều nêu cao vai trò gương mẫu và trực tiếp tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Mỗi cấp, mỗi ngành và các cơ quan, đơn vị đã xác định nhiệm vụ tiếp tục thực hiện nghị quyết Trung ương 3 khóa 10 về phòng, chống tham nhũng, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng, gắn với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng thành công khi Đảng dựa vào dân, khi chúng ta phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, đồng thời với việc kết hợp hài hòa sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế./.

Phản hồi

Các tin/bài khác