Tiếp tục truyền bá bản sắc Việt Nam ra thế giới

Tuy không có nhiều sự kiện lớn về ngoại giao như năm 2010, nhưng công tác ngoại giao văn hóa năm 2011 được triển khai mạnh mẽ, gắn kết chặt chẽ với Ngoại giao Chính trị và Ngoại giao Kinh tế, tích cực giới thiệu để bạn bè quốc tế hiểu rõ về Việt Nam. Ngoại giao văn hóa cũng hỗ trợ tích cực các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các hoạt động quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, trong đó đáng chú ý là tổ chức các hoạt động kỷ niệm 100 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước đến nước Pháp (1911-2011) và 65 năm Ngày Hồ Chủ tịch thăm Pháp với tư cách Nguyên thủ Quốc gia (1946 - 2011). Đặc biệt, năm qua, ngoại giao văn hóa đã góp phần đem về cho đất nước 12 danh hiệu được UNESCO vinh danh là các danh thắng, di sản vật thể và phi vật thể của VN. Thứ trưởng Bộ ngoại giao VN, Chủ tịch Ủy ban UNESCO VN Nguyễn Thanh Sơn khẳng định: “Đây là niềm tự hào của đất nước. Thông qua những danh thắng, truyền thống văn hóa, tinh hoa văn hóa dân tộc…, ngoại giao văn hóa đã đóng góp hiệu quả cho công tác ngoại giao nói chung,  giúp ngoại giao chính trị đạt được mục đích của mình, tạo nên hình ảnh VN, vị thế VN vững vàng trên trường quốc tế, xứng đáng với truyền thống hàng nghìn năm văn hiến của đất nước gần 90 triệu dân”.


Tiếp tục truyền bá bản sắc Việt Nam ra thế giới - ảnh 1

Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN tham dự hội nghị.


Năm 2011 cũng là năm đánh dấu sự kiện lần đầu tiên công tác ngoại giao văn hóa được đưa vào Văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ XI, tiếp đó Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2020. Do vậy, các hoạt động ngoại giao văn hóa được triển khai mạnh mẽ theo tinh thần của các chủ trương lớn. Đó là "Xây dựng nhận thức chung về hội nhập văn hóa, gắn kết ngoại giao văn hóa với Ngoại giao Chính trị và Ngoại giao Kinh tế; tích cực giới thiệu để bạn bè quốc tế hiểu rõ về Việt Nam, tham gia tích cực vào các thiết chế văn hóa đa phương; tận dụng các chương trình, ý tưởng của UNESCO để phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nâng cao vị trí, vai trò của Việt Nam". Đây là phương hướng chung, toàn diện, thể hiện sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong quá trình hội nhập sâu rộng văn hóa thế giới. Thứ trưởng Bộ ngoại giao VN Nguyễn Thanh Sơn cho rằng: “Trong thời gian vừa qua cũng như tới đây, vị thế đất nước tiếp tục đi lên, chúng ta cần có sự hội nhập vững vàng, sâu rộng với thế giới. Trước đây hội nhập trên phương diện để phát triển kinh tế nhằm củng cố đất nước, giữ vững ổn định và an ninh xã hội. Nhưng giờ với xu thế toàn cầu hóa, chúng ta đã xác định là bạn với tất cả các nước, chúng ta giữ vững bản sắc, lập trường tư tưởng, kiên định tư tưởng Hồ Chí Minh và định hướng XHCN.”


Nhấn mạnh về việc kết hợp chặt chẽ ngoại giao văn hóa với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, ông Nguyễn Thanh Sơn khẳng định đây là một nhiệm vụ quan trọng mà Bộ Ngoại giao cần tiếp tục thực hiện trong năm 2012 này. Mở rộng giao lưu văn hóa với thế giới cũng đồng nghĩa với việc tiếp nhận một lượng lớn văn hóa của nước bạn. Do đó, cần có sự chỉ đạo, định hướng trong tiếp thu, chọn lọc những nguồn văn hóa ngoại lai để hòa nhập nhưng không hòa tan. Trong những năm qua, Bộ ngoại giao cùng với Bộ Giáo dục đào tạo và các ngành liên quan tiến hành các hoạt động như dạy tiếng Việt cho người nước ngoài ở nhiều quốc gia ; kết hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài khắc ghi và phát huy hình ảnh lãnh tụ ở nước ngoài ; thực hiện các đề án tâm linh; phát động các sự kiện ngoại giao văn hóa định kỳ như “Xuân quê hương”, “Trại hè Việt Nam”…Đây là các hoạt động không chỉ mang ý nghĩa văn hóa, mà còn là sự kiện chính trị góp phần củng cố hỗ trợ cộng đồng người Việt ở nước ngoài, tăng cường “hàm tố Việt Nam” trong dòng máu của người Việt, đặc biệt là thanh niên Việt ở nước ngoài hiện nay. Ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết: “Năm 2012, một trong những định hướng cơ bản là phát huy sức mạnh của các hội đoàn ở các địa phương, làm sao các thông tin tuyên truyền đến hội, hội sẽ lan tỏa những thông tin đó đến hội ở các địa phương. Chúng tôi cũng tăng cường hoạt động đưa bà con về nước, tăng cường hoạt động giao lưu giữa giới truyền thông trong nước với hải ngoại để tranh thủ kênh tuyên truyền của người VN ở nước ngoài để có thể thông tin cập nhất đến bà con, đến nơi họ đang sinh sống. Chúng tôi mong muốn năm 2012 thực sự là năm bà con hướng về đất nước, để kiều bào đóng góp hết sức mình không chỉ vật chất, trí tuệ mà cả tình cảm với quê hương.


Trong hoạt động ngoại giao, văn hóa đôi khi đi trước chính trị. Chúng ta có thể có những giao lưu hoạt động văn hóa khi chưa có quan hệ ngoại giao và văn hóa có thể là cầu nối dẫn đến quan hệ ngoại giao. Khi có quan hệ ngoại giao rồi thì giao lưu văn hóa, giới thiệu bản sắc của mỗi quốc gia sẽ làm cho các quốc gia xích lại gần nhau hơn. Ngoại giao văn hóa được coi là một trong những nguồn lực tạo nên "sức mạnh mềm". Trong lịch sử nền ngoại giao Việt Nam, chúng ta đã nhiều lần sử dụng thành công sức mạnh này để hóa giải những xung đột và tạo dựng quan hệ hữu nghị lâu bền với các nước. Vì vậy, xây dựng một chiến lược lâu dài cho ngoại giao văn hóa là tạo thêm nguồn lực cho vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ánh Huyền

 

Phản hồi

Các tin/bài khác