(VOV5)- Vấn đề sở hữu đất đai là một trong những nội dung được dư luận rất quan tâm trong quá trình góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân là phù hợp với điều kiện lịch sử Việt Nam, tạo điều kiện tốt để giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội và phát triển bền vững. Đa số dư luận đồng tình với quan điểm này khi góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Sở hữu đất đai ở Việt Nam là vấn đề hệ trọng, có liên quan đến lịch sử, đến sự ổn định chính trị, xã hội. Việc thực hiện sở hữu toàn dân về đất đai trong thời gian qua đã giúp cho Nhà nước chủ động trong việc huy động nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế. Trong điều kiện và trình độ phát triển kinh tế như hiện nay, xác định chế độ sở hữu toàn dân về đất đai cũng đã phản ánh được ý nghĩa chính trị - xã hội của quan hệ đất đai. Đất đai là tài nguyên quốc gia của cả dân tộc, của toàn dân. Những lợi ích chủ yếu thu từ đất phải được sử dụng phục vụ chung cho xã hội.
Giáo sư. Tiến sỹ Đỗ Thế Tùng, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế, Học viện chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, nêu ý kiến: “Việc quy định ruộng đất thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý là phù hợp với quy luật tiến hoá và xu hướng phát triển của nông nghiệp hiện đại. Nhà nước xoá bỏ địa tô tuyệt đối, chỉ thu địa tô chênh lệch, gộp vào thuế nông nghiệp để phục vụ trở lại cho phát triển nông nghiệp cả nước và hỗ trợ những vùng khó khăn.”
Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai cũng đã tạo điều kiện để Nhà nước bảo vệ lợi ích hợp pháp của mọi công dân. Trên cơ sở sở hữu toàn dân về đất đai, Nhà nước đã giao cho người dân quyền sử dụng đất đồng thời có cơ chế bảo hộ cho người sử dụng đất khi thực hiện quyền này. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Tuyến, giảng viên trường Đại học Luật Hà Nội, cho rằng ngay ở các nước sở hữu tư nhân về đất đai, Nhà nước vẫn hạn chế quyền của người sở hữu. Việc hạn chế thể hiện trong trường hợp vì lợi ích quốc phòng, an ninh, Nhà nước có quyền mua đất. Nếu chủ sở hữu không bán, Nhà nước có quyền trưng thu có bồi thường: “Một số người nói là phải đa sở hữu về đất đai, tư nhân hoá đất đai thì hy vọng sẽ khắc phục được những vướng mắc. Tôi không nhất trí với quan điểm này vì ngay cả một số nhà nghiên cứu nước ngoài cũng cho rằng Việt Nam duy trì sở hữu toàn dân về đất đai là tốt. Điều đó cho thấy mỗi một hình thức đều có ưu điểm và nhược điểm. Cái quan trọng là chúng ta xử lý nó như thế nào. Trên nền sở hữu toàn dân về đất đai, chúng ta giao quyền cho người sử dụng đất. Hiện nay, người sử dụng đất có khoảng 12- 13 quyền như chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, góp vốn, được bồi thường. Nếu so sánh với chế độ sở hữu tư nhân về đất đai thì dường như người sử dụng đất ở Việt Nam cũng có đầy đủ các quyền năng giống như chủ sở hữu tư nhân ở các nước. Do đó vấn đề đặt ra ở đây không phải là thay đổi hình thức sở hữu.”
Nếu để sở hữu tư nhân về đất đai sẽ là một cản trở đối với phát triển kinh tê-xã hội. (Ảnh: TTXVN)
Cũng theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Tuyến, cái gốc của những bất cập trong quản lý, sử dụng đất hiện nay không phải do hình thức sở hữu. Những bức xúc của người dân là việc giải phóng mặt bằng, đền bù giá thành thấp, tham nhũng trong quản lý đất đai. Những vấn đề này không nằm trong quy định của Hiến pháp mà là luật pháp như Luật đất đai sửa đổi. Đồng tình với quan điểm này, Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Đoan, Phó trưởng khoa Hành chính Nhà nước, Đại học Luật Hà Nội, cho rằng: “Theo tôi cái mắc ở đây không phải vấn đề sở hữu. Chúng ta đã xác định xây dựng chủ nghĩa xã hội thì sớm muộn cũng phải công hữu đất đai. Và thực tế chúng ta đã công hữu rồi. Nếu bây giờ tư hữu thì chắc chắn về mặt chính trị, xã hội sẽ không ổn định. Nếu chúng ta giữ nguyên quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân thì Hiến pháp phải tập trung nhiều vào mảng quản lý và khai thác sử dụng như thế nào để có hiệu quả kinh tế cao nhất.”
Lịch sử lập hiến của Việt Nam cho thấy Hiến pháp 1946, 1959, trong điều kiện đất nước còn chiến tranh, chưa phù hợp để xác định chế độ kinh tế trên cơ sở chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Hiến pháp 1980, 1992 và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, trong điều kiện đất nước hoà bình, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội, khẳng định chế độ kinh tế dựa trên cơ sở chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, là phù hợp với lý luận và thực tiễn. Việc quy định sở hữu toàn dân về đất đai cùng với khắc phục những bất cập trong quản lý Nhà nước về đất đai hiện nay sẽ góp phần tạo sự ổn định, đảm bảo hài hoà lợi ích của Nhà nước và người dân trong lĩnh vực đất đai./.