Tinh thần đổi mới, đoàn kết, sáng tạo trong hoạt động Quốc hội
Hồng Vân -  
(VOV5) - Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV bế mạc sáng 23/11, tại Hà Nội, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên cả 3 chức năng: lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Kết quả của kỳ họp một lần nữa thể hiện tinh thần đổi mới, đoàn kết, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước.
Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV diễn ra hơn 1 tháng với nhiều nhiệm vụ trọng tâm như quyết định hệ thống các kế hoạch trung hạn mang tính tổng thể về tài chính và đầu tư; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, về thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh;tiến hành quyền giám sát tối cao thông qua hoạt động chất vấn.
Lần đầu tiên quyết định hệ thống các kế hoạch trung hạn về tài chính và đầu tư
Điểm nổi bật trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước là tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thảo luận, thông qua nhiều nội dung về kinh tế. Đó là đánh giá kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2011-2015; kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; kế hoạch tài chính 5 năm; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020. Đây là lần đầu tiên Quốc hội quyết định hệ thống các kế hoạch trung hạn mang tính tổng thể về tài chính và đầu tư, có sự gắn kết chặt chẽ cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hồ Chí Minh, đánh giá: "Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, nghị quyết về tài chính, nghị quyết về đầu tư công, nghị quyết về cơ cấu lại nền kinh tế. Trong các nghị quyết này, mục tiêu rất cụ thể".
Ông Bùi Văn Phương, đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, cho rằng: "Xuất phát từ tình hình đất nước hiện nay, những vấn đề như tài chính, nợ công chúng ta không né tránh. Thảo luận, công bố các kế hoạch tài chính là tinh thần thẳng thắn trước nhân dân. Việc thông tin rộng rãi là để mỗi người dân hiểu và có sự chia sẻ".
Đổi mới trong thảo luận trên nghị trường
Nét khác biệt của kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV so với trước đây là đại biểu có thời gian và điều kiện tranh luận ngay tại phiên thảo luận hay tại các phiên chất vấn các thành viên Chính phủ. Điểm mới này đã giúp làm rõ ngay nhiều vấn đề, giúp đưa ra những kết luận tổng quát, khoa học, phù hợp thực tiễn. Dự án Luật về Hội và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 là minh chứng rõ nét nhất về sự tác động của tranh luận. Trên cơ sở cân nhắc kỹ, Quốc hội quyết định chưa thông qua tại kỳ họp này đối với 2 văn bản luật trên để tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm chất lượng và tính khả thi.
Ông Hoàng Quang Hàm, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ, nêu ý kiến: "Hoạt động của Quốc hội thể hiện chính kiến rất rõ ràng khi mà dừng không thông qua 2 dự án luật. Như vậy là Quốc hội đã nâng tầm hoạt động và đạt được mục tiêu cơ bản tại kỳ họp này là đảm bảo chất lượng và tính khả thi".
Trong khi đó, đánh giá tác động của tranh luận đối với hoạt động chất vấn, ông Phạm Tất Thắng, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long, nhận xét: "Giám sát bằng chất vấn rất thành công và có đổi mới. Nó khác với các kỳ trước khi tại kỳ họp này, Quốc hội không chỉ chọn cá nhân 1 Bộ trưởng, Trưởng ngành mà Quốc hội chọn nhóm vấn đề mà chọn như vậy thì có sự phối hợp trách nhiệm trong việc giải quyết công việc và phối hợp trả lời giữa các thành viên của Chính phủ. Đại biểu Quốc hội đã dùng quyền tranh luận khiến không khí sôi nổi hơn và với 1 số vấn đề đã có sự giải quyết đến cùng. Đáng chú ý, số lượng đại biểu đăng ký chất vấn rất đông. Điều này thể hiện sự quan tâm của đại biểu tới nội dung chất vấn".
Ông Bùi Văn Phương, đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, đề xuất: "Tranh luận là nét rất mới và rất cần được phát huy. Để kỳ họp tới tinh thần này phát huy mạnh mẽ hơn nữa, tôi nghĩ không chỉ dừng lại ở việc tranh luận giữa các đại biểu với nhau mà cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cũng cần có sự tranh luận với các đại biểu Quốc hội. Thông qua tranh luận sẽ đảm bảo căn cứ khoa học, lý luận và thực tiễn, nhờ đó Quốc hội sẽ sáng suốt khi đưa ra các quyết định".
Một điểm nhấn nữa cũng được nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri ghi nhận là tại kỳ họp này đa số các đại biểu Quốc hội mới đều phát biểu với tinh thần thẳng thắn, chất lượng. Điều này cho thấy thái độ làm việc nghiêm túc của đại biểu để đưa những vấn đề của cuộc sống vào trong nghị trường.
Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV là một trong những kỳ họp thể hiện rõ nét tinh thần đổi mới, đoàn kết, sáng tạo. Những nhân tố này đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội Việt Nam.
Hồng Vân