(VOV5) -Hiệp ước INF được Liên Xô và Mỹ ký năm 1987, cấm các bên sở hữu tên lửa đạn đạo bố trí trên mặt đất và tên lửa có cánh với bán kính hoạt động từ 500 đến 5.500km
Sau hơn 3 thập kỷ tồn tại, Hiệp ước về thủ tiêu tên lửa tầm ngắn và trung (INF) giữa Nga và Mỹ đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ khi ngày 20/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương tuyên bố sẽ rút khỏi văn kiện này. Mặc cho dư luận quốc tế lo ngại về nguy cơ đối đầu chiến lược giữa 2 cường quốc hạt nhân như từng xảy ra vào đầu những năm 1970 của thế kỷ trước, ông Donald Trump vẫn đưa ra quyết định vì những toan tính riêng của Mỹ.
Hiệp ước INF được Liên Xô và Mỹ ký năm 1987, cấm các bên sở hữu tên lửa đạn đạo bố trí trên mặt đất và tên lửa có cánh với bán kính hoạt động từ 500 đến 5.500km vì có thể tấn công hạt nhân lẫn nhau do những tên lửa này có thời gian bay rất ngắn. Có thể nói đây là công cụ kiểm soát vũ khí hạt nhân nhằm ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Sự ra đời của INF, cùng với một số hiệp ước khác như Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM), Hiệp ước hạn chế và cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) được ký từ năm 1991 giữa Mỹ và Liên Xô (sau này là Nga) cũng như Hiệp ước New START ( START 2) ký năm 1993 và START 3 ký năm 2010, đã chấm dứt thế đối đầu hạt nhân nhiều rủi ro giữa Mỹ và Nga tại châu Âu, tạo sự ổn định tương đối cho châu lục này trong suốt 30 năm qua, cũng như mang lại hy vọng về một thế giới phi hạt nhân.
Cựu Lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbache và cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ký kết INF vào ngày 8/12/1987. -Ảnh: Reuters |
Toan tính của Washington
Dự định rút khỏi INF của Nhà Trắng không quá bất ngờ bởi những đồn đoán đã lan truyền từ trước, thậm chí INF luôn có nguy cơ đổ vỡ trong suốt 1 thập kỷ qua. Nguyên nhân chính thức được phía Mỹ đưa ra là Nga vi phạm nghiêm trọng Hiệp ước quan trọng này. Đây là nguyên nhân không mới vì ngay cả chính quyền tiền nhiệm dưới thời Tổng thống Barack Obama cũng không ít lần cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản của hiệp ước.
Tuy nhiên theo một số nhà phân tích, chính tâm lý bài xích các thỏa thuận quốc tế của chính quyền Trump là động cơ phía sau dẫn đến quyết định của Tổng thống Trump. Nếu Mỹ thực sự rút khỏi INF, nước này có thể sẽ triển khai phiên bản đã được điều chỉnh của tên lửa hành trình Tomahawk để phóng từ mặt đất. Trước đây Mỹ từng trang bị tên lửa Tomahawk gắn đầu đạn thông thường lên các tàu nổi và tàu ngầm, còn bây giờ Washington có thể gắn đầu đạn hạt nhân lên các tên lửa này.
Một nhân tố nữa cần nhắc đến là Trung Quốc. Kể từ năm 1987, quân đội Trung Quốc đã có quá trình hiện đại hóa mạnh mẽ khi đầu tư phát triển các vũ khí mới. Lĩnh vực được đầu tư mạnh tay nhất là phát triển tên lửa. Các lãnh đạo quân sự cấp cao của Mỹ từng nói nếu Trung Quốc là một bên tham gia hiệp ước INF, khoảng 95% trong số các tên lửa đạn đạo và hành trình của Bắc Kinh vi phạm thỏa thuận này. Một số tên lửa của Trung Quốc có tầm bắn lên tới 15.000km, tức là có thể bao trùm toàn bộ lãnh thổ Mỹ. Theo Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton, Trung Quốc là một trong những lý do khiến chính quyền Mỹ cân nhắc rút khỏi thỏa thuận với Nga. Ngay cả Tổng thống Donald Trump ngày 22/10 cũng thừa nhận quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp ước INF với Nga còn xuất phát từ sự cần thiết phải phản ứng đối với việc xây dựng hạt nhân của Trung Quốc.
Một khả năng nữa được đề cập là tuyên bố rút khỏi INF của Tổng thống Donald Trump được đưa ra trong bối cảnh Cố vấn Tổng thống Mỹ về an ninh quốc gia John Bolton đang ở thăm Moscow. Thế nên, rất có thể đây chỉ là một “nước cờ” của ông Trump muốn buộc Moscow phải đưa ra cam kết mạnh mẽ không vi phạm Hiệp ước INF trước khi cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông và người đồng cấp Nga Vladimir Putin diễn ra.
Lá chắn tên lửa Patriot của Mỹ triển khai tại Ba Lan. Ảnh: AFP. |
Bước đi tiếp theo là gì?
Cho dù Mỹ có toan tính gì sau tuyên bố sẽ rút khỏi INF thì dư luận quốc tế vẫn hết sức quan ngại trước bước đi mới của Washinton. Cộng đồng quốc tế cho rằng Mỹ và Nga cần vẫn đối thoại mang tính xây dựng để duy trì hiệp ước này.
Tuy nhiên, sau tuyên bố sẽ rút khỏi INF, thì điều đáng quan ngại nữa là Mỹ cũng đang nghiêng về khả năng không gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3), vốn sẽ hết hạn vào năm 2021. Cho dù chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Barak Obama cho rằng START 3 là chiến thắng đối ngoại của Mỹ thì ông Donald Trump lại tuyên bố START 3 có lợi cho Moscow hơn là cho Washington.
Trước INF, Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) năm 2001. Nếu tuyên bố rút khỏi Hiệp ước INF của ông Donald Trump trở thành hiện thực, cùng với việc Hiệp ước New START sẽ hết hạn vào năm 2021, thì đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 1972, các cường quốc hạt nhân không còn chịu sự ràng buộc giới hạn nào và rủi ro cạnh tranh hạt nhân Mỹ - Nga sẽ gia tăng. Điều này sẽ đặt thế giới vào tình huống đối đầu chiến lược giữa 2 cường quốc hạt nhân.
Cho đến thời điểm này, các quốc gia, trừ Mỹ, đều cho rằng Mỹ nên cân nhắc về việc rút khỏi Hiệp ước về thủ tiêu tên lửa tầm ngắn và trung. Dư luận hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin sẽ sớm được thu xếp để 2 bên có thể hóa giải bất đồng, cùng đem lại sự ổn định cho thế giới.