Tổng Bí thư Trường Chinh - Người đặt nền móng cho công cuộc đổi mới

(VOV5) - Quyết tâm đổi mới đã thể hiện ngay trong quá trình chuẩn bị Đại hội 6 của Đảng, mà người đặt nền móng cho quá trình này là Tổng Bí thư Trường Chinh.


Hai từ “Đổi mới” được nhắc tới như một kỳ tích ở Việt Nam suốt 30 năm qua. Thành công của sự nghiệp mang tính cách mạng này được bắt đầu khi Đại hội 6 của Đảng phát đi thông điệp mạnh mẽ về việc thực hiện đường lối đổi mới. Tuy nhiên, quyết tâm đổi mới đã thể hiện ngay trong quá trình chuẩn bị Đại hội 6 của Đảng, mà người đặt nền móng cho quá trình này là Tổng Bí thư Trường Chinh.


Tổng Bí thư Trường Chinh - Người đặt nền móng cho công cuộc đổi mới - ảnh 1
Từ phải sang trái: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Việt Bắc. Ảnh tư liệu


Ông Trường Chinh là Tổng Bí thư của Đảng ở hai thời điểm đặc biệt của cách mạng Việt Nam. Lần 1 vào đầu những năm 40 của thế kỷ 20, chuẩn bị và lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc và lần 2 vào tháng 7-1986 khi Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời trước Đại hội 6 của Đảng 5 tháng. Ông là một nhà lãnh đạo nghiêm cẩn, rất coi trọng lý luận và hết sức nguyên tắc nhưng lại được coi là "Tổng Bí thư của đổi mới".

Hơn 30 năm trước, Tổng Bí thư Trường Chinh nhận thấy sự cấp bách của đất nước cần đổi mới nên thành lập một nhóm gồm những trí thức, nhà khoa học... có tư duy đổi mới (còn gọi là nhóm cố vấn Tổng Bí thư) để khảo sát, nghiên cứu một số vấn đề lý luận và thực tiễn đất nước, làm căn cứ phương pháp luận cho việc đổi mới. Qua khảo sát, Tổng bí thư Trường Chinh bắt đầu nhận ra đã đến lúc đổi mới tư duy về lý luận cũng như tư duy về kinh tế. Đó là xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, phải có cơ chế tự hoạch toán, tự chủ tài chính, bắt đầu áp dụng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần có sự quản lý của nhà nước. Là thành viên của nhóm nghiên cứu và được Tổng Bí thư Trường Chinh phân công viết 2 chuyên đề là “Chính sách kinh tế mới của Lê-nin áp dụng vào Việt Nam” và “Chính sách kinh tế đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ mới”, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược nhớ lại: “Đó là 2 chuyên đề Tổng Bí thư Trường Chinh giao cho tôi viết và tôi được biết Tổng Bí thư Trường Chinh đã đọc đi đọc lại nhiều lần. Thời điểm đó chúng ta phải dựa vào tư tưởng, chính sách kinh tế mới của Lê-nin để áp dụng vào Việt Nam để xóa bỏ cơ chế mệnh lệnh, quan liêu, bao cấp và thay vào đó quan hệ hàng hóa, tiền tệ ; thay vào đó áp dụng Chủ nghĩa Tư bản Nhà nước trong đời sống kinh tế. Đó là 2 tư tưởng quan trọng nhất của Lê-nin và chúng ta đã áp dụng và có thể nói đây là khởi đầu cho công cuộc đổi mới”.

Tuy nhiên, quá trình đổi mới không phải là bằng phẳng, không phải nói là thực hiện được ngay. Ở thời điểm đó vẫn còn tư duy, nhận thức khác nhau. Có lý do chủ quan và lý do khách quan. Có cả những lý do về nhận thức hiểu biết chưa thay đổi được thói quen cũ. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng: đổi mới năm 1986 là cuộc đấu tranh nội bộ quyết liệt, giữa đổi mới hay không đổi mới và Tổng Bí thư Trường Chinh là tấm gương tự phê bình và phê bình, tự đổi mới mình để cùng Đảng đổi mới: “Khi Tổng Bí thư Trường Chinh đưa ra được tư tưởng đổi mới tư duy kinh tế cũng như đổi mới tư duy lý luận của Đảng thì ông kiên trì, kiên trung với những tư tưởng, đường lối và bảo vệ những lý luận. Mặc dù bị phê phán, phê bình, ông vẫn kiên trì. Đặc biệt khi bị những sức ép, kể cả những ý kiến phê phán gay gắt thì Tổng bí thư Trường Chinh vẫn bảo vệ. Và trong quá trình đổi mới ấy không phải lúc nào cũng thành công hết mà có những giai đoạn thiếu sót, khiếm khuyết. Bởi vì giữa quá trình đổi mới tư duy ấy, người này thông nhưng người khác không thông. Họ có thể đồng ý đổi mới nhưng cách làm của họ chưa đổi mới”.

Từ khảo sát thực tế sinh động và quyết tâm tự đổi mới mình, đổi mới Đảng, tại các Hội nghị Trung ương 6, 7, 8, 9 (khóa 5) những phát biểu tâm huyết Tổng bí thư Trường Chinh đã gây tiếng vang trong cả nước, người dân chuyền tay nhau đọc. Những tâm tư, nguyện vọng, những trăn trở, suy tư của cán bộ, đảng viên, của quần chúng nhân dân trong bao lâu không nói ra được thì lúc này, nhờ những quan điểm đổi mới, những phân tích sâu sắc của Tổng Bí thư Trường Chinh đã nói thay cho họ.

Bằng lý luận, phương pháp luận, nghiên cứu thực tiễn, rút ra bài học kinh nghiệm, Tổng Bí thư Trường Chinh là người lát viên gạch đầu tiên để xây dựng công cuộc đổi mới. Dũng cảm tiến hành cuộc đấu tranh với những quan điểm bảo thủ, cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, Tổng Bí thư Trường Chinh đã cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác lập đường lối đổi mới toàn diện tại Đại hội lần thứ 6 của Đảng, khởi đầu cho công cuộc đổi mới thành công của nhân dân Việt Nam.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác