(VOV5) - Theo các nhà quan sát, hợp tác quốc phòng mới là trọng tâm chính trong cuộc gặp lần này giữa hai nhà lãnh đạo.
Tổng thống Argentina hôm nay bắt đầu chuyến công du tới Liên bang Nga. Chuyến thăm, ngoài mục đích nhằm đáp lễ xã giao thông thường chuyến thăm của Tổng thống V.Putin đến Argentina hồi tháng 7/2014, còn mang nhiều ẩn ý. Với Nga, để xác lập lại vị thế của một cường quốc ở khu vực Mỹ Latin chiến lược thì Argentina là một quốc gia không thể bỏ qua. Còn với Argentina, tạo dựng mối thân tình với Moscow giúp Buenos Aires tăng cường sức mạnh phòng thủ trong vấn đề tranh chấp quần đảo Malvinas, mà Anh cũng tuyên bố có chủ quyền.
Trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày, Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchne cùng người đồng cấp V.Putin bàn bạc nhiều vấn đề, giải pháp triển khai hợp tác trên hàng loạt lĩnh vực then chốt mà mỗi bên có thế mạnh riêng, nhất là lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Song, theo các nhà quan sát, hợp tác quốc phòng mới là trọng tâm chính trong cuộc gặp lần này giữa hai nhà lãnh đạo.
Tăng cường hợp tác quân sự, quốc phòng
Thông tin mới nhất từ Bộ Quốc phòng Nga, Moscow và Buenos Aires đã thống nhất các kế hoạch nâng cấp hợp tác quân sự giữa quân đội hai nước trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động. Thỏa thuận này đạt được trong một cuộc họp giữa các quan chức quốc phòng hai nước bên lề Hội nghị an ninh quốc tế lần thứ 4 diễn ra tại Moscow hồi tuần trước.
|
Tổng thống Argentina Cristina Fernandez (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) trước cuộc hội đàm tại Buenos Aires. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Trước đó, vào tháng 7/2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp người đồng cấp Cristina Fernandez de Kirchne và bàn bạc nhiều vấn đề, trong đó nhấn mạnh đến hợp tác quân sự quốc phòng, coi đây là hợp tác then chốt trong giai đoạn mới. Theo đó, Moscow cam kết sẵn sàng mở rộng hợp tác và đào tạo nhân viên quân sự hay quân đội cho các nước Mỹ Latin và Argentina là một trong những đối tác quan trọng mà điện Kremlin muốn hướng đến. Đáng chú ý, trong chuyến thăm này, hai bên nhất trí kế hoạch Nga bán 12 máy bay chiến đấu tầm xa siêu âm Su-24 cho Argentina. Đổi lại, Argentina cung cấp cho Nga lúa mì, chế phẩm thịt và các hàng nông sản khác. Vì vậy, lần này, ngoài mục tiêu thúc đẩy quan hệ thương mại song phương, Nga và Argentina sẽ ký kết các hợp đồng mua bán thiết bị quân sự, chính thức trở thành đối tác chiến lược của nhau trong lĩnh vực an ninh quốc phòng.
Đôi bên cùng có lợi
Quan hệ Nga-Argentina hầu như chưa bao giờ xảy ra xung khắc và luôn tiến triển theo chiều hướng tốt đẹp. Mặc dù vậy, mức độ vẫn còn hạn chế và chủ yếu dừng ở lĩnh vực thương mại. Argentina chưa phải là thị trường được các lĩnh vực thế mạnh của Nga khai phá. Ngược lại. Nga cũng không phải là thị trường xuất khẩu quan trọng với nhiều mặt hàng nông sản chủ lực Argentina đang cung cấp cho thế giới. Vì thế mối quan hệ tốt đẹo này vẫn chưa được tận dụng triệt để nhằm đem lại lợi ích hơn nữa cho cả hai bên.
Tuy nhiên, trong bối cảnh phương Tây áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt đến Nga, buộc nước này phải tìm kiếm mở rộng thị trường thì Mỹ Latin là một lựa chọn hoàn hảo. Thông qua tăng cường thương mại hàng nông sản với các nước Nam Mỹ như Argentina, Nga có thể triệt tiêu ảnh hưởng từ sự cấm vận và trừng phạt của Âu-Mỹ đối với Nga trong vấn đề Ukraine. Đồng thời, hỗ trợ tăng cường sức mạnh quân sự cho Argentina, đặc biệt là tăng cường quyền kiểm soát trên không ở khu vực quần đảo Malvinas, là cách mà Moscow muốn “dằn mặt” Anh, quốc gia luôn đi đầu ủng hộ các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.
|
Su-24 mang theo một loạt vũ khí "ám ảnh" quân đội Anh . kienthuc.net.vn |
Trong khi đó, vấn đề quần đảo Malvinas luôn là vấn đề nhức nhối đối với Argentina trong quan hệ với Anh. Quần đảo Malvinas (hay còn gọi là Falklands) được Argentina tuyên bố chủ quyền, nhưng lại thuộc quyền quản lý thực tế của Anh từ năm 1830. Vào năm 1982, chính quyền Buenos Aires tiến hành một cuộc chiến tranh với London nhằm chiếm lại quẩn đảo, nhưng thất bại sau khi Anh phản công và lấy lại quyền cai trị khu vực này. Từ đó đến nay, mâu thuẫn giữa London và Buenos Aires thỉnh thoảng lại nổi lên. Gần đây nhất, động thái Argentina tuyên bố tăng chi tiêu quân sự trong năm 2015 đã khiến Anh hết sức lo ngại. Hiện Anh chỉ có vẻn vẹn 1.500 quân đồn trú trên quần đảo. Nếu quân đội Argentina sở hữu các chiến đấu cơ mạnh mẽ của Nga sẽ khiến cho Anh yếu thế hơn so với Argentina. Anh lo ngại nếu xảy ra một cuộc chiến tranh tương tự như năm 1982, thì rất có thể nước này sẽ không kịp trở tay bởi khoảng cách từ Argentina đến quần đảo này là cực gần so với từ Anh đến. Vì vậy, Anh cũng tuyên bố có kế hoạch tăng cường chi tiêu an ninh cho quần đảo Nam Mỹ này để đối phó với những nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự của Argentina.
Đứng trước mối thâm tình giữa Nga và các quốc gia Nam Mỹ, không chỉ Anh mà cả Mỹ cũng cảm thấy bất an. Chuyến thăm tới Liên bang Nga lần này của Tổng thống Argentina Cristina Fernandez de Kirchne với trọng tâm là hợp tác quốc phòng đánh dấu sự trở lại Nam Mỹ của Nga, đồng thời đặt ra những thách thức mới cho Mỹ và các nước đồng minh phương Tây. Rất có thể những ngày tới cộng đồng quốc tế sẽ chứng kiến một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực./.