(VOV5)- Sau 5 năm đàm phán, 12 nước thành viên Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa chính thức đạt được thỏa thuận về một trong những hiệp định thương mại lớn nhất thế giới. Thỏa thuận mang tính lịch sử này được xem như một mô hình hợp tác kinh tế kiểu mẫu trong những năm đầu thế kỷ 21, mở ra tương lai tăng trưởng mạnh mẽ cho 12 nước thành viên Hiệp định, trong đó có Việt Nam.
TPP là một thỏa thuận thương mại tự do với sự tham gia của 12 nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Mỹ, Singapore, Nhật Bản và Việt Nam. So với các Hiệp định thương mại tự do khác (FTA), TPP toàn diện và sâu rộng hơn hẳn. Nếu như các FTA thường tập trung nhiều vào vấn đề giảm thuế thì TPP lại hướng đến việc thiết lập bộ quy tắc thương mại tiêu chuẩn cao, giải quyết các vấn đề của kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và việc làm tại các quốc gia thành viên. TPP bao phủ nhiều vấn đề không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn cả trong lĩnh vực môi trường, sở hữu trí tuệ…
|
Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng và một số thành viên Đoàn Việt Nam tham gia đàm phán TPP tại Atlanta, Mỹ.
|
Tạo áp lực tích cực để kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định, với tốc độ cao
Nếu xét về quy mô, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương có lẽ chỉ đứng sau Hiệp định Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tuy nhiên đây là một Hiệp định có các mục tiêu về giảm thuế cao hơn nhiều so với WTO và cũng có tính đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa các nước thành viên trong TPP. Với 40% tổng GDP toàn cầu và khoảng 30% kim ngạch xuất nhập khẩu thế giới thì việc Việt Nam tham gia vào TPP có rất nhiều cơ hội. Bộ trưởng Bộ công thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Lĩnh vực đầu tiên mà chúng ta được hưởng lợi là hoạt động xuất khẩu, nhất là những mặt hàng chúng ta có thể mạnh như hàng dệt may,giày dép và thủy sản. Theo tính toán của rất nhiều cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, khi TPP có hiệu lực thì tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ đạt được mức bình quân hàng năm hai con số, qua đó cũng giúp cho GDP của Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng ổn định và với tốc độ cao.
Thông qua TPP, với việc mở cửa thị trường dịch vụ và đầu tư, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là những dự án, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, có trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến và có sự chuyển giao công nghệ theo cam kết của các thành viên TPP cũng như của các doanh nghiệp thuộc các nước này.
TPP có hiệu lực cũng đồng nghĩa với việc nhiều doanh nghiệp của các nước thành viên TPP sẽ tăng cường sự đầu tư ở Việt Nam, xem Việt Nam như một trong những địa điểm hay những trung tâm sản xuất linh kiện, phụ tùng không những cho tiêu dùng và sản xuất ở Việt Nam mà còn tái xuất khẩu sang các nước TPP.
Đặc biệt khi tham gia TPP, Việt Nam sẽ có dịp đa dạng hóa quan hệ thương mại và đầu tư với nhiều nước khác, tránh bị phụ thuộc vào một hay một vài đối tác.
Về mặt xã hội, những lợi ích kinh tế mà TPP mang lại sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, nhất là ở khu vực nông thôn và những lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày dép và nông sản – thủy sản.
|
Gia nhập vào Hiệp định TPP sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho XK nông sản Việt, đặc biệt là tại các thị trường mới. (Ảnh minh họa)
|
Thách thức không nhỏ
Ở một sân chơi rộng và đòi hỏi cao như TPP thì thách thức đầu tiên là Việt Nam phải nỗ lực hơn rất nhiều để nâng cao được năng lực cạnh tranh, qua đó bắt kịp với yêu cầu của TPP, rút ngắn chênh lệch trong trình độ phát triển của Việt Nam với các nước.
Thách thức thứ hai là một số lĩnh vực gặp khó khăn như chăn nuôi hay dịch vụ. Tuy nhiên, với kinh nghiệp của 8 năm thực hiện các cam kết trong khuôn khổ WTO, Việt Nam có thể khắc phục được.
Về mặt xã hội, đối với những doanh nghiệp yếu, doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa nếu không có biện pháp phù hợp và giải pháp thích ứng thì những doanh nghiệp này sẽ gặp khó khăn, thậm chí khó tiếp tục phát triển và tồn tại. Để giảm thiểu những tác động tiêu cực như vậy, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng: Việc đầu tiên là chúng ta phải tiếp tục tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Chúng ta sắp xếp lại các lĩnh vực theo hướng những ngành nghề nào có lợi thế thì phải phát huy hơn nữa, còn những lĩnh vực yếu kém, thậm chí là lạc hậu, thì cũng cần có biện pháp thu hẹp lại hoặc có những trao đổi với những thành viên của TPP để họ có thể giúp chúng ta nâng cao trình độ của những lĩnh vực này. Điều thứ hai là phải tiếp tục mạnh mẽ và quyết liệt hơn trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nhất là các quy định trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, kinh tế, doanh nghiệp.
Sau khi kết thúc đàm phán TPP, các nước sẽ rà soát lại Hiệp định về mặt pháp lý, câu chữ để phù hợp với quy định ở trong nước. Tiếp đó là sự phê chuẩn của Quốc hội từng nước thành viên.
Được đánh giá là Hiệp định thương mại tự do kiểu mẫu của thế kỷ 21, do vậy khi tham gia TPP, Việt Nam sẽ được hưởng nhiều lợi ích, đặc biệt là về kinh tế qua đó giúp cho GDP của Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng ổn định, góp phần thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội mà Việt Nam đã đề ra.