(VOV5)- Chuyến đi của ông J.Biden có thể giúp hạ nhiệt căng thẳng. Song, những gì đang diễn ra cho thấy sứ mệnh hòa giải của ông J.Biden khó có thể đạt hiệu quả như mong đợi.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm nay tiếp tục thăm Bắc Kinh, chặng dừng chân thứ 2 trong chuyến công du 3 nước Đông Á là Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực leo thang, liên quan đến việc Bắc Kinh đơn phương tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Hoa Đông, các nhà quan sát kỳ vọng, bằng uy tín của mình và mối quan hệ cá nhân gần gũi với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, chuyến đi của ông J.Biden có thể giúp hạ nhiệt căng thẳng. Song, những gì đang diễn ra cho thấy sứ mệnh hòa giải của ông J.Biden khó có thể đạt hiệu quả như mong đợi.
Từ dự tính lúc đầu về một sứ mệnh thương mại, chuyến công du của ông Joe Biden giờ đây tập trung vào những căng thẳng an ninh leo thang. Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc hiện đang là tâm điểm cuộc tranh cãi liên quan đến hai hòn đảo mà cả Tokyo và Bắc Kinh đều tuyên bố chủ quyền. Các cuộc khẩu chiến càng trở nên căng thẳng và đe dọa châm ngòi đối đầu quân sự. Bởi vậy, việc chọn lựa điểm đến bắt đầu và kết thúc của chuyến đi đã phần nào nói lên ý đồ của Washington, rằng không chỉ làm dịu mối quan hệ với Bắc Kinh mà còn khẳng định cam kết với đồng minh Tokyo và Seoul là kế hoạch chuyển trục chiến lược tới châu Á của Mỹ không hề bị xao lãng.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: BBC)
Tuyên bố miệng và hành động thực tế
Mặc dù không chính thức phản đối Trung Quốc trong tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản, nhưng từng nhiều lần Washington khẳng định với Tokyo rằng quần đảo Senkaku trên Hoa Đông vẫn nằm trong hiệp ước an ninh chung của hai nước và phản đối bất kỳ nỗ lực nào làm thay đổi quyền kiểm soát nó của Nhật Bản.
3 ngày sau khi Trung Quốc tuyên bố thiết lập ADIZ, Washington đã điều 2 máy bay ném bom B-52 bay qua khu vực này, đồng thời xác định rõ 3 phương châm là không chấp nhận ADIZ của Trung Quốc, không đáp ứng theo yêu cầu của Trung Quốc như mở sóng vô tuyến và thông báo trước kế hoạch bay và không thay đổi các hoạt động quân sự của Mỹ ở khu vực này. Và cũng chỉ ngay sau đó 3 ngày, Washington lại có một hành động gây khó hiểu cho đồng minh khi tuyên bố các máy bay dân sự của Mỹ nên tuân thủ các quy định của Trung Quốc ở khu vực. Dù lập tức giải thích điều này không có nghĩa là Mỹ chấp nhận những yêu cầu của Trung Quốc về ADIZ nhưng chính thái độ “mập mờ” này của Washington đã khiến Tokyo tức giận và lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ. Bởi vậy, ngay khi đặt chân đến Nhật Bản, ông J.Biden phải lập tức trấn an đồng minh rằng liên minh quân sự giữa hai nước có từ năm 1950 vẫn có giá trị và Mỹ đã, đang và sẽ sát cánh với các đồng minh ở khu vực.
Tuy nhiên, những tuyên bố miệng là một chuyện còn giải thích các hành động thực tế lại là chuyện khác. Có thể thấy, ông J. Biden đã rơi vào tình cảnh “khó ăn, khó nói” trong chuyến đi này. Ngay trước khi tới Bắc Kinh, ông J. Biden đã được chào đón với một thái độ dè chừng của giới truyền thông Trung Quốc. Những quan ngại của Washington về ADIZ của Bắc Kinh nêu lên trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bị Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ. China Daily của Trung Quốc ngày 4/12 cảnh báo sự ủng hộ của ông J.Biden với Nhật Bản có thể làm tổn hại tới sự tín nhiệm của ông tại Trung Quốc, rằng nếu Mỹ thực sự muốn giảm bớt căng thẳng trong khu vực, trước tiên nước này phải ngừng ủng hộ các chính sách “bên miệng hố chiến tranh” nguy hiểm của Tokyo. Chẳng biết thái độ cứng rắn của Bắc Kinh hay tầm quan trọng của việc giữ mối quan hệ ổn định với ông bạn lớn khiến mục tiêu chuyến thăm của ông J.Biden dường như đã đi chệch hướng. Nội dung ADIZ được đề cập hết sức mờ nhạt trong cuộc hội đàm với ông Tập Cận Bình, thay vào đó là cách tiếp cận để tiến tới xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới trong thế kỷ 21, như đề xuất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Mỹ hồi đầu năm. Minh chứng cho điều này là cái bắt tay thật chặt giữa hai nhà lãnh đạo và tuyên bố của ông Tập Cận Bình rằng đối thoại và hợp tác là sự lựa chọn đúng đắn và duy nhất đối với cả hai nước.
Sứ mệnh khó khăn
Rõ ràng, dù hết sức lo ngại trước sự trỗi dậy của Trung Quốc nhưng trước một đối thủ “đáng gờm”, Washington cũng chẳng dại gì quay lưng hoàn toàn với Bắc Kinh. Việc Tổng thống Mỹ Barack Obama không tham dự hai hội nghị thượng đỉnh của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hồi tháng 10 vừa qua cũng khiến Mỹ thận trọng, khéo léo hơn trong ứng xử ngoại giao với các cường quốc ở khu vực Đông Á. Những diễn biến hiện nay cho thấy sứ mệnh ngoại giao của Phó Tổng thống Mỹ J. Biden là rất khó khăn. Chuyến thăm của ông J.Biden có thể chẳng thu được kết quả gì ngoài việc chỉ để lại dấu ấn về sự hiện hiện của Mỹ mỗi khi trong khu vực này xảy ra biến cố./.