Trích giới thiệu Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng (khóa XI)

Trích giới thiệu Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng (khóa XI) - ảnh 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị lần thứ 4 BCH TƯ Đảng khóa XI- Ảnh: Chinhphu.vn

(VOV5)- Tổng Bí thư Ban chấp hành TW Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI): Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Nghị quyết nhấn mạnh đến 4 nhóm giải pháp quan trọng về xây dựng Đảng trong bối cảnh hiện nay. Xin trích giới thiệu sau đây những nội dung chính của Nghị quyết này.


Mở đầu, Nghị quyết khẳng định vai trò to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong hơn 80 năm qua đã lãnh đạo, tổ chức và phát huy sức mạnh to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, giành được nhiều thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng. Từ khi thực hiện đường lối đổi mới, nhiều chủ trương, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được ban hành. Cùng với việc đạt được nhiều kết quả tích cực, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Nghị quyết khẳng định nếu không được sửa chữa, những yếu kém khuyết điểm này sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.

Để tạo được sự chuyển biến rõ rệt, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, nhằm xây dựng Đảng CSVN thật sự là đảng cách mạng chân chính, ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nghị quyết khẳng định phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh. Phải làm kiên quyết, kiên trì, làm từng bước vững chắc, không để các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội lợi dụng, kích động, xuyên tạc, đả kích gây rối nội bộ.

4 nhóm giải pháp về xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay vừa có tính cấp bách, cần thực hiện thường xuyên, liên tục. Nhóm giải pháp thứ nhất là tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên. Theo đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương tập trung kiểm điểm, đánh giá làm rõ nguyên nhân những hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra nhiều năm nhưng chậm được khắc phục; làm rõ trở ngại trong việc lãnh đạo thực hiện các nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng. Các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương tiến hành kiểm điểm, đánh giá liên hệ bản thân về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan đến một số vấn đề cấp bách nêu trong Nghị quyết, đề ra biện pháp khắc phục. Các ủy viên ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy và cấp ủy các cấp phải nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, nêu gương bằng hành động thực tế.

Nhóm giải pháp thứ 2 là các giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng. Cụ thể mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý tự phê bình và phê bình thẳng thắn, dân chủ, nghiêm túc, gắn với thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm, theo cương vị công tác. Làm tốt việc kiểm điểm để có căn cứ xem xét, sàng lọc đội ngũ cán bộ của cả hệ thống chính trị và chuẩn bị quy hoạch cấp ủy, các chức danh chủ chốt các cấp nhiệm kỳ tới. Phát huy dân chủ thật sự trong Đảng, thực hiện nghiêm túc Quy chế chất vấn trong Đảng. Trong vấn đề tổ chức, cán bộ, sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt ở cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương. Tiếp tục thực hiện thí điểm chủ trương Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện; gắn với xây dựng quy chế kiểm tra, giám sát, bảo đảm thực sự có hiệu quả, ngăn chặn sự lạm quyền, độc đoán. Quy định việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với các chức danh lãnh đạo trong cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể. Những người hai năm liền tín nhiệm thấp, không hoàn thành nhiệm vụ cần được xem xét, cho thôi giữ chức vụ, không chờ kết nhiệm kỳ. Về sinh hoạt Đảng, Nghị quyết nhấn mạnh cần chấn chỉnh tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảng bộ.

Nhóm giải pháp thứ 3 mà Nghị quyết đề cập là cơ chế, chính sách. Theo đó sẽ rà soát, loại bỏ các cơ chế, chính sách đã lạc hậu, xây dựng, ban hành đồng bộ các chính sách để đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, trọng tâm là đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho việc quy hoạch, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ. Ban hành quy chế để hàng năm Ban Chấp hành Trung ương góp ý kiến, thể hiện sự tín nhiệm đối với tập thể và từng thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; ban chấp hành đảng bộ các cấp góp ý kiến, thể hiện sự tín nhiệm đối với tập thể và từng thành viên ban thường vụ cấp ủy cấp mình. Xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ. Nghị quyết cũng chỉ rõ năm 2012, ban hành quy chế giám sát (trực tiếp và gián tiếp) của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng và chính quyền các cấp.

Trong nhóm giải pháp thứ 4 về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, Nghị quyết khẳng định phải tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cùng với đó là đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên gắn với việc kiểm điểm, đánh giá và biện pháp giải quyết vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng của các cấp.   

Cuối cùng Nghị quyết khẳng định với truyền thống và bản chất tốt đẹp của Đảng CSVN, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, nhất định Nghị quyết này sẽ được thực hiện thắng lợi tạo bước chuyển biến mới trong công tác xây dựng Đảng, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh./.

Phản hồi

Các tin/bài khác