(VOV5) - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 13/2 bắt đầu chuyến công du 4 nước châu Á. Đây là lần thứ 5 ông J.Kerry có mặt ở khu vực này kể từ khi ông đảm nhiệm vị trí Ngoại trưởng Mỹ một năm về trước. Chuyến thăm kéo dài đến 18/2, diễn ra trước thời điểm chuyến công du đã được lên kế hoạch của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới châu Á vào tháng 4, nhằm thúc đẩy chiến lược xoay trục của Mỹ sang khu vực này. Trong bối cảnh căng thẳng đang tăng cao ở khu vực, chuyến công du của Ngoại trưởng J.Kerry được nhận định là chỉ mang tính chất xã giao thông lệ, bởi rất khó để Washington đưa ra lập trường rõ ràng trước những vấn đề nóng của khu vực.
|
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. (Ảnh: AFP) |
4 nước châu Á mà Ngoại trưởng Mỹ J.Kerry đến thăm gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Tại mỗi chặng dừng chân, trọng tâm các cuộc hội đàm vẫn là những vấn đề không mới, gồm các biện pháp tăng cường quan hệ hợp tác song phương và những chủ đề nóng của thế giới.
Hâm nóng chính sách xoay trục Châu Á
Tại Seoul (Hàn Quốc), ông J.Kerry có cuộc gặp với các quan chức cấp cao của Chính phủ Hàn Quốc và tái khẳng định sự vững chắc của mối liên minh Mỹ-Hàn. Hai bên sẽ thảo luận những biện pháp nhằm mở rộng hợp tác song phương trong các vấn đề khu vực và toàn cầu, đồng thời tiếp tục sự hợp tác giữa hai nước về vấn đề CHDCND Triều Tiên.
Trong khi đó, rời Seoul, ông J.Kerry sẽ cùng các nhà lãnh đạo Bắc Kinh thảo luận các vấn đề khu vực trong đó có các vấn đề liên quan đến CHDCND Triều Tiên, đồng thời nêu bật tầm quan trọng của sự hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc về biến đổi khí hậu và năng lượng sạch.
Tại Jakarta (Indonesia), ông J.Kerry sẽ tái khẳng định Mỹ đánh giá cao sự đi đầu của Indonesia trong việc đối phó với những thách thức toàn cầu và mong muốn tiếp tục hợp tác với Indonesia trong các vấn đề như biến đổi khí hậu, an ninh, dân chủ, hội nhập khu vực và nhân quyền. Ông J.Kerry sẽ giữ vai trò đồng chủ tịch cuộc họp Ủy ban hỗn hợp theo khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện Mỹ-Indonesia và có cuộc gặp với Tổng Thư ký ASEAN nhằm nhấn mạnh sự quan trọng mối liên hệ của Mỹ với các thể chế đa phương tại khu vực châu Á.
Ông J.Kerry sẽ kết thúc chuyến công du của mình tại Abu Dhabi (UAE). Tại đây Ngoại trưởng Mỹ sẽ có cuộc gặp với các quan chức cấp cao UAE và thảo luận các vấn đề song phương cũng như trong khu vực liên quan đến lợi ích chung đối với mối quan hệ giữa Mỹ và UAE.
Thách thức
Song, một nội dung đang được dư luận quan tâm hơn cả là thông điệp mà Ngoại trưởng J.Kerry mang đến Trung Quốc. Trước thềm chuyến thăm, dẫn lời người phát ngôn Jen Psaki, Mỹ cam kết theo đuổi mối quan hệ tích cực, hợp tác và toàn diện, đồng thời hoan nghênh sự trỗi dậy của một Trung Quốc hòa bình và thịnh vượng đóng vai trò tích cực trong các vấn đề quốc tế. Tuyên bố của Bộ ngoại giao Mỹ gây chú ý của dư luận bởi diễn ra đúng vào lúc những tham vọng về lãnh thổ của Bắc Kinh đang gia tăng khi Trung Quốc vừa để lộ kế hoạch thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông. Trước chuyến thăm vài ngày, Washington cũng đã đưa ra yêu cầu Bắc Kinh điều chỉnh lại các yêu sách chủ quyền trên Biển Đông thông qua “đường lưỡi bò”, nhưng ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản ứng gay gắt tới 2 lần. Trong khi tại Hoa Đông, chính ông Kerry trước thềm chuyến thăm Trung Quốc cũng đã nhắc lại cam kết bảo vệ đồng minh Nhật Bản nếu nước này bị tấn công, trong đó có cả các địa điểm là các đảo mà Trung Quốc muốn đòi chủ quyền. Nhưng nay, với thông điệp tại Bắc Kinh, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi, liệu Washington có duy trì được chiến lược tái cân bằng một cách nhất quán hay không, hay chỉ là những cam kết nhất thời mà thôi? Thêm vào đó, Nhật Bản, Philippines, hai quốc gia đồng minh của Mỹ, lại không có tên trong danh sách ghé thăm của Ngoại trưởng Mỹ trong chuyến công du lần này cũng khiến dư luận lo ngại, sứ mệnh của ông J.Kerry trong việc định hình lại nhận thức của nhiều nước châu Á về chiến lược xoay trục của chính quyền Obama, sẽ gặp nhiều thách thức.
Đối với Washington, chuyển hướng mũi nhọn ngoại giao sang Trung Đông hay châu Á sẽ đòi hỏi động thái tái cân bằng chiến lược, trong đó Mỹ phải hiện diện ở cả hai khu vực. Vì vậy, sứ mệnh ngoại giao đầu tiên trong năm 2014 của Ngoại trưởng Kerry tới châu Á có thể tạm coi là nhằm hâm nóng nỗ lực xoay trục của Mỹ ở khu vực này, đặc biệt trong bối cảnh nổi lên nhiều căng thẳng giữa các nước đối tác - đồng minh và đối thủ của Mỹ./.