(VOV5) - Palestine coi đó là một tuyên bố vô trách nhiệm, hoàn toàn vô giá trị về mặt luật pháp, lịch sử, chính trị và đạo đức.
Thời gian qua, một trong những điểm nóng nhất của thế giới trong nhiều thập kỷ qua là khu vực Trung Đông, tiếp tục chứng kiến thêm nhiều diễn biến đáng lo ngại, chủ yếu xuất phát từ toan tính đầy tham vọng của một số cường quốc, đẩy cục diện khu vực tới nguy cơ bùng phát bạo lực cực kỳ nguy hiểm.
Trong một động thái hết sức bất ngờ, mới đây, chính quyền Mỹ đã thể hiện sự thay đổi căn bản lập trường được duy trì nhiều thập kỷ qua trong vấn đề định cư Do Thái trên các vùng đất chiếm đóng của người Palestine. Cụ thể, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 18/11 tuyên bố Washington ủng hộ quyền của Israel trong việc xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây, đánh dấu sự đảo ngược chính sách của Mỹ trong 40 năm qua khi bác bỏ quan điểm pháp lý của Bộ Ngoại giao Mỹ từ năm 1978, trong đó cho rằng các khu định cư "không phù hợp với luật pháp quốc tế".
Toàn cảnh khu định cư Kiryat Arba của Israel tại Hebron, Bờ Tây, ngày 11-9-2018. Ảnh: Reuters |
Ngay lập tức, động thái của Mỹ đã vấp phải sự phản đối và lên lên án cực kỳ mạnh mẽ từ thế giới A rập, các quốc gia khu vực và thế giới, trong đó có nhiều đồng minh thân cận của Washington. Đại sứ Palestine tại Liên Hợp Quốc Riyad Mansour nêu rõ Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã một lần nữa đưa ra tuyên bố sai trái về các khu định cư Israel nhằm phá hoại mọi cơ hội xây dựng hòa bình, tạo lập an ninh và ổn định tại khu vực.
Palestine coi đó là một tuyên bố vô trách nhiệm, hoàn toàn vô giá trị về mặt luật pháp, lịch sử, chính trị và đạo đức. Liên đoàn A rập cùng các quốc gia thành viên và các nước trong khu vực như I-ran, Thổ Nhỹ Kỳ cũng chỉ trích mạnh mẽ hành động của Mỹ, coi đó là một bước đi vô cùng nguy hiểm, làm phá sản giải pháp hai nhà nước và các nỗ lực tạo lập hòa bình Trung Đông của cộng đồng quốc tế.
Từ châu Âu và nhiều khu vực khác trên thế giới, nhiều quốc gia và tổ chức cũng đã lên tiếng chính thức bày tỏ sự phản đối và cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng từ việc Mỹ công nhận quyền của Israel đối với các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây.
Và trên thực tế, chỉ ít ngày sau tuyên bố của Mỹ, giới chức Israel đã đóng cửa hàng loạt văn phòng truyền thông Palestine tại Jerusalem. Chính quyền Palestine và nhiều nước A rập coi đây là bước đi mới cực kỳ nguy hiểm, phá vỡ cam kết của Israel với Hiệp định Oslo ký năm 1993 tại Mỹ và năm 1995 tại Ai cập. Nhiều nhà phân tích khu vực cảnh báo Israel sẽ còn tiến hành nhiều bước leo thang nghiêm trọng tiếp theo, trong khi hàng loạt nhóm vũ trang Palestine tuyên bố sẽ tiến hành các biện pháp bạo lực chống lại sự ngông cuồng của Israel và Mỹ.
Còn nhớ, việc chính quyền Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel cuối năm 2017 và chuyển đại sứ quán về đây, đã gây ra làn sóng phẫn nộ cực kỳ mạnh mẽ của người dân Palestine, dẫn tới các cuộc đụng độ đẫm máu kéo dài dọc biên giới giữa Israel và dải Gaza, khiến hàng trăm người thiệt mạng và hàng ngàn người bị thương.
Bởi vậy, trong bối cảnh tình hình Trung Đông vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp như nội bộ chính trường ở cả Israel và Palestine chưa ổn định, các cuộc tấn công qua lại biên giới giữa các nhóm vũ trang Palestine và quân đội Israel thường xuyên diễn ra, sự gia tăng căng thẳng mới tại khu vực được dự báo có thể châm ngòi cho một vòng xoáy sóng bạo lực nghiêm trọng, đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông vốn đầy thách thức, đứng trước nguy cơ đổ vỡ hoàn toàn.