(VOV5) - Không chỉ dừng ở nguy cơ làm bùng phát xung đột toàn diện tại Trung Đông, tình thế căng thẳng hiện nay cũng có thể kéo các đồng minh của Israel vào cuộc khủng hoảng.
Vụ sát hại lãnh đạo cấp cao của các lực lượng Hezbollah và Hamas trong những ngày qua đang đẩy khu vực Trung Đông vào vòng xoáy bạo lực mới. Theo nhiều chuyên gia, nguy cơ xung đột toàn diện tại khu vực đang ở mức cao nhất kể từ nhiều tháng qua.
Thủ lĩnh chính trị của phong trào Hồi giáo Hamas, ông Ismail Haniyeh. Ảnh: France 24 |
Hôm 31/07, thủ lĩnh chính trị của phong trào Hồi giáo Hamas, ông Ismail Haniyeh, bị sát hại tại thủ đô Tehran của Iran. Trước đó, tối 30/07, một thủ lĩnh cấp cao của lực lượng Hezbollah ở Lebanon là Fuad Shukr cũng thiệt mạng trong vụ không kích của quân đội Israel vào thủ đô Beirut nhằm trả đũa việc 12 thường dân Israel thiệt mạng vì bị pháo kích hôm 28/07 tại Cao nguyên Golan. Vòng xoáy bạo lực hiện nay đang khiến “lò lửa” Trung Đông nóng hơn bao giờ hết.
Gia tăng nguy cơ đối đầu toàn diện Iran-Israel
Thủ lĩnh chính trị của Hamas, Ismail Haniyeh thiệt mạng khi đến Iran tham dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Iran, Masoud Pezeshkian. Mặc dù chính phủ Israel không bình luận cũng như không thừa nhận trách nhiệm trong vụ việc này nhưng theo giới quan sát, vụ sát hại lãnh đạo chính trị cao nhất của Hamas tạo ra bước ngoặt trong cuộc khủng hoảng hiện nay tại Trung Đông. Một mặt, vụ việc khiến mâu thuẫn giữa Israel và Hamas càng thêm trầm trọng, mặt khác, nghiêm trọng hơn, vụ sát hại thủ lĩnh Hamas khiến nguy cơ đối đầu trực diễn giữa Israel và Iran đến gần hơn bao giờ hết. Ngay sau vụ việc, Đại giáo chủ Iran, Khamenei cùng Tổng thống Masoud Pezeshkian đều tuyên bố sẽ trả đũa với quy mô lớn, với các chỉ trích đích danh nhằm vào Israel.
Theo Yossi Mekelberg, chuyên gia phân tích đến từ Chatham House, chính quyền Iran đang bị đặt vào tình thế buộc phải hành động nếu muốn giữ vững vị thế cũng như khả năng răn đe tại khu vực. Câu hỏi đặt ra là việc trả đũa của Iran cùng các lực lượng đồng minh trong khu vực sẽ được triển khai ở mức độ nào? Hồi tháng 4 vừa qua, nhằm đáp trả việc tòa nhà Đại sứ quán Iran ở Syria bị tấn công khiến một số tướng lĩnh cấp cao Iran thiệt mạng, lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua Iran đã phóng hơn 300 tên lửa và máy bay không người lái (UAV) trực tiếp tấn công vào lãnh thổ Israel. Tuy nhiên, vụ tấn công đã được Iran báo trước nhiều ngày và cũng được cho là đã tính toán kỹ nhằm tránh làm bùng phát xung đột trực diện giữa Iran và Israel.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: Reuters |
Yossi Mekelberg cho rằng sự trả đũa lần này của Iran và các đồng minh có thể sẽ khó lường hơn và nguy cơ leo thang xung đột cũng cao hơn trước, bởi cùng thời điểm này Israel và lực lượng Hezbollah tại Lebanon cũng đang cận kề một cuộc chiến tổng lực. Chia sẻ đánh giá này, Ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken thừa nhận ông hoàn toàn không thể lường hết những tác động sắp tới đối với an ninh tại Trung Đông: “Điều khẩn cấp bây giờ là tất cả các bên phải đưa ra lựa chọn đúng đắn trong những ngày tới, bởi các lựa chọn này chính là sự khác biệt giữa việc tiếp tục con đường bạo lực, bất an và khổ đau hay tiến đến một điều khác tốt đẹp hơn rất nhiều cho tất cả các bên liên quan. Nhưng thực sự thì tôi không thể dự đoán hậu quả, tác động của bất kỳ sự việc nào vừa qua đối với những gì sẽ diễn ra”.
Không chỉ dừng ở nguy cơ làm bùng phát xung đột toàn diện tại Trung Đông, tình thế căng thẳng hiện nay cũng có thể kéo các đồng minh của Israel vào cuộc khủng hoảng. Tại Mỹ, một số nghị sĩ cứng rắn đang yêu cầu chính quyền Mỹ chuẩn bị sẵn kịch bản can thiệp quân sự vào Trung Đông nếu xảy ra xung đột quy mô lớn giữa Israel với Iran và các lực lượng thuộc trục kháng chiến trong khu vực.
Dấu chấm hết cho thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza?
Bên cạnh nguy cơ leo thang xung đột toàn diện tại khu vực, vòng xoáy bạo lực hiện nay, đặc biệt là vụ sát hại thủ lĩnh chính trị Hamas, ông Ismail Haniyeh, cũng khiến cơ hội đạt được một lệnh ngừng bắn và trao đổi con tin tại dải Gaza giữa Israel và phong trào Hamas ngày càng trở nên mong manh. Trước thời điểm diễn ra vụ sát hại, các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas, thông qua trung gian của Qatar, Ai Cập và Mỹ, đã rơi vào bế tắc trong nhiều tháng và mới chỉ được thắp lại hy vọng trong tuần trước khi quan chức các bên nỗ lực nối lại tiếp xúc tại Cairo (Ai Cập). Tuy nhiên, vụ sát hại Ismail Haniyeh có thể đặt dấu chấm hết cho các nỗ lực đó. Chuyên gia Sanam Vakil, Giám đốc các chương trình nghiên cứu Trung Đông và Bắc Phi tại Chatham House, nhận định: “Việc sát hại ông Ismail Haniyeh chắc chắn sẽ làm tổn hại các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn vào lúc này, khi các bên quay trở lại với giai đoạn căng thẳng cực độ và đầy bất trắc. Tôi không nhận thấy bấy cứ giải pháp lâu dài có ý nghĩa nào trong thời gian tới”.
Theo phân tích của bà Sanam Vakil, những động thái gần đây từ phía Israel cho thấy giới lãnh đạo Israel đang có những thay đổi chiến lược quan trọng, cụ thể là chuyển hướng ưu tiên hành động sang việc ứng phó với các thách thức an ninh rộng lớn hơn trong toàn khu vực, với Iran là trọng tâm, thay vì việc tập trung vào nỗ lực đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin với Hamas ở dải Gaza. Sự thay đổi này buộc các bên có liên quan đến khủng hoảng tại Trung Đông phải có cách tiếp cận khác, đặc biệt là các đồng minh phương Tây của Israel. Theo Sanam Vakil, việc Mỹ tiến hành các vụ tấn công nhằm vào một số lực lượng dân quân thân Iran tại Iraq trong những ngày qua là dấu hiệu cho thấy chính quyền Mỹ muốn răn đe các bên muốn leo thang xung đột. Trong tuyên bố đưa ra hôm 01/08, người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, ông John Kirby, cũng cho rằng việc leo thang xung đột tại Trung Đông không phải là việc “không thể tránh khỏi” và chính quyền Mỹ đang sử dụng tất cả các biện pháp ngoại giao và quân sự để ngăn chặn nguy cơ này.