(VOV5) - Năm 2015, khu vực Trung Đông tiếp tục góp gam mầu trầm cho bức tranh thế giới vốn nhiều u ám. Những biến thể của phong trào Mùa xuân Arab đã và đang từng ngày, từng giờ tàn phá khu vực này. Trung Đông 2015 đã trở thành chiến trường giết chóc đẫm máu, tạo nên cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất trong lịch sử, đồng thời kích động phong trào thánh chiến Hồi giáo cực đoan toàn cầu.
|
Các binh sĩ Iraq tại thành phố Ramadi hôm 28/12 (Ảnh: NBC News) |
Tình hình chính trị, xã hội của các quốc gia Trung Đông vài năm trở lại đây, đều được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông quốc tế bằng các cụm từ “bạo lực”, “bất ổn”, “chia rẽ” và “tổn thất về nhân mạng”. Song, năm 2015, trong bức tranh Trung Đông ấy, bạo lực và hỗn loạn ở khu vực đã biến thể ở một cấp độ cao hơn, trở thành mảnh đất mầu mỡ làm nảy sinh và nuôi dưỡng chủ nghĩa khủng bố với sự nổi lên của Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Không chỉ gây tội ác và bành trướng vùng lãnh thổ rộng lớn ở hai quốc gia Trung Đông là Syria và Iraq, IS còn mở rộng hoạt động sang nhiều quốc gia khu vực như Lybia, Ai Cập, Yemen, Tunisia và cả Châu Âu, đe dọa an ninh toàn cầu.
Cục diện rối loạn
Syria, quốc gia được nhắc đến nhiều nhất và cũng là quốc gia chịu tổn thất nghiêm trọng nhất ở Trung Đông năm qua. Theo thống kê của tổ chức nhân quyền quốc tế, sau 5 năm, cuộc nội chiến Syria đã khiến 250.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ quê hương. Syria năm 2015 còn là chiến trường cho trận chiến giữa các cường quốc và IS. Hàng loạt quốc gia ngoài khu vực trực tiếp can dự sâu vào cuộc nội chiến, trong đó nổi lên là liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu và sự can thiệp của Nga. Hiệu quả của chiến dịch tiêu diệt IS chưa được như mong muốn, nhưng những tổn thất phải trả giá cho sự can thiệp này lại quá lớn.
Sự can thiệp của Nga vào Syria bắt đầu từ 30/9 được coi là diễn biến đáng chú ý nhất. Sự kiện này dẫn tới hàng loạt vụ trả thù gây chấn động dư luận khu vực và thế giới như vụ IS bắn rơi máy bay chở khách của Nga trên bán đảo Sinai, Ai Cập ngày 31/10 khiến 224 thiệt mạng, hay vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu Su-24 của Nga hồi tháng 11, dẫn đến cuộc khủng hoảng quan hệ trầm trọng chưa từng có giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Còn Pháp, quốc gia tham gia liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu cũng hứng chịu cuộc tấn công khủng bố tàn khốc ngay giữa lòng thủ đô. 129 người thiệt mạng, hơn 350 người khác bị thương là cái giá mà Pháp nói riêng, Châu Âu nói chung, phải gánh chịu khi tham gia vào chiến trường Trung Đông. Chưa hết, sự can thiệp vào Trung Đông cũng làm dấy lên làn sóng người tị nạn khổng lồ đổ về Châu Âu.
Trong khi đó, tình hình ở các quốc gia khác trong khu vực Trung Đông năm qua cũng không có gì sáng sủa hơn. Cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa các bên tại quốc gia này sau thời kỳ Mùa xuân Arab tiếp tục cản trở tiến trình hướng tới sự ổn định ở Lybia. Biểu hiện rõ nét nhất là sự song song tồn tại của hai Chính phủ và hai Quốc hội của hai phe đối địch nhau trong cuộc xung đột. Bất chấp nhiều nỗ lực dàn xếp quốc tế, các bên trong cuộc xung đột tranh giành quyền lực ở Lybia vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận hòa bình để thành lập Chính phủ mới, hòa giải dân tộc và chấm dứt chiến sự. Tại Yemen, cuộc nội chiến đang diễn biến hết sức phức tạp. Chiến sự trong năm 2015 đã cướp đi sinh mạng của hơn 28.000 người, trong đó phần lớn là dân thường. Đáng nói hơn, cuộc nội chiến đang trở thành cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai dòng Hồi giáo Shiite và Sunny trong khu vực. Tiến trình hòa bình giữa Israel-Palestine vẫn ở trong vòng luẩn quẩn bế tắc. Dù nỗ lực tìm kiếm sự công nhận của cộng đồng quốc tế về một nhà nước độc lập của Palestine đã thành hiện thực, nhưng sự không công nhận của Israel khiến dải Gaza chưa thể có hòa bình. Nỗi thất vọng của người dân Palestine bùng phát thành các vụ đụng độ ở khu vực này. Gần đây nhất là xung đột giữa quân đội Israel và người dân Palestine khiến hàng chục người thương vong. Biến cố này đã dập tắt hoàn toàn hy vọng sớm có thể nối lại hòa đàm giữa hai bên.
Điểm sáng hiếm hoi
Trong bối cảnh bức tranh Trung Đông nhiều mâu thuẫn, xung đột nổi lên 1 điểm sáng duy nhất. Đó là việc Iran đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Nhóm P5+1, tháo ngòi nổ xung đột kéo dài âm ỉ hàng thập kỷ qua giữa Mỹ và phương Tây với quốc gia Hồi giáo Iran. Cái bắt tay hợp tác giữa Iran và phương Tây mở ra hy vọng giải quyết nhiều vấn đề của khu vực. Tuy nhiên, ngay cả trong điểm sáng này, các nhà phân tích vẫn chỉ ra những lo ngại mới, có thể chính vai trò của Iran lại góp phần làm gia tăng mối lo ngại của các nước láng giềng khu vực, đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông đi trật đích
Trải qua 1 năm đầy biến động với các cuộc can thiệp từ bên ngoài kéo theo nhiều hệ lụy, chưa ai có thể đưa ra dự báo tương lai cho khu vực Trung Đông những ngày tới. Có điều chắc chắn rằng, khu vực này sẽ còn phải tiếp tục hành trình đầy chông gai để tới đích hòa bình.