Trung Đông tiến dần đến nguy cơ một cuộc chiến toàn diện

(VOV5) - Tình hình hiện nay đòi hỏi sự can thiệp cấp bách của cộng đồng quốc tế, trước khi mọi thứ vượt tầm kiểm soát, với hiệu ứng domino khiến cuộc khủng hoảng này không thể kiềm toả”.

Bất chấp các nỗ lực ngoại giao từ nhiều phía, sự đối đầu giữa Israel và lực lượng Hezbollah tại Lebanon đã leo thang thành một xung đột mới khi quân đội Israel mở chiến dịch tấn công vào miền Nam Lebanon, đẩy toàn bộ khu vực tiến gần hơn đến một cuộc chiến toàn diện. Cảnh báo này hiện hữu rõ nét hơn khi đêm 01/10, Iran lần đầu tiên sử dụng tên lửa siêu âm hiện đại nhất nhằm vào Israel.

Ngày 01/10, quân đội Israel (IDF) thông báo chính thức mở chiến dịch tấn công trên bộ có giới hạn tại miền Nam Lebanon nhằm phá hủy các hạ tầng quân sự của lực lượng Hezbollah, đánh dấu việc hai bên chính thức đẩy trạng thái thù địch bao lâu nay thành một xung đột mới với nhiều rủi ro nghiêm trọng.

Trung Đông tiến dần đến nguy cơ một cuộc chiến toàn diện - ảnh 1Xe tăng của Quân đội Israel được vận chuyển tới khu vực biên giới trong bối cảnh Israel mở chiến dịch tấn công trên bộ vào miền Nam Lebanon ngày 1/10. Ảnh: Reuters

Mặt trận xung đột mới

Chiến dịch tấn công trên bộ của quân đội Israel vào miền Nam Lebanon diễn ra chỉ ít ngày sau khi không quân Israel thực hiện các đợt không kích dữ dội trong nhiều ngày vào nhiều địa điểm ở Lebanon, bao gồm cả khu vực thủ đô Beirut, phá hủy nhiều hạ tầng và thiết bị quân sự của lực lượng Hezbollah, đồng thời hạ sát nhiều thủ lĩnh cấp cao của lực lượng này, trong đó có cả nhân vật đứng đầu Hezbollah là Hassan Nasrallah hôm 27/09.

Trong tuyên bố mở chiến dịch tấn công trên bộ, quân đội Israel cho biết cần phải loại bỏ các mối đe dọa nằm sát biên giới Israel-Lebanon và quân đội Israel sẽ làm tất cả những gì có thể để tránh lặp lại kịch bản 1 cuộc tấn công như phong trào Hamas tiến hành ngày 07/10 năm ngoái. Người phát ngôn quân đội Israel, Daniel Hagari tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không để sự kiện như 7/10 năm ngoái xảy ra tại bất kỳ khu vực biên giới nào của chúng tôi. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì cần thiết để các gia đình Israel có thể trở về nhà sống trong an toàn và an ninh”.

Trung Đông tiến dần đến nguy cơ một cuộc chiến toàn diện - ảnh 2Ngoại trưởng Lebanon, ông Abdallah Bouhabib. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Theo giới quan sát, mặc dù quân đội Israel nhấn mạnh chiến dịch tấn công trên bộ ở biên giới Israel-Lebanon là có giới hạn và nhằm vào một số mục tiêu nhất định nhưng một khi xung đột đang leo thang rất nhanh thành một cuộc chiến như hiện nay, tình hình có thể vượt tầm kiểm soát.

Paul Moorcraft, Giám đốc Trung tâm Phân tích chính sách đối ngoại tại London (Anh), nhận định quân đội Israel chắc chắn đã rút ra nhiều bài học sau các chiến dịch tấn công trên bộ trước đây vào Lebanon nhưng lực lượng Hezbollah cũng khó đối phó hơn rất nhiều so với phong trào Hamas ở dải Gaza, nhờ có tổ chức, tiềm lực quân sự cũng như mạng lưới liên kết chặt chẽ hơn nhiều. Điều đáng ngại hơn, theo Paul Moorcraft, đó là nếu Iran, đồng minh quan trọng nhất của lực lượng Hezbollah, quyết định hỗ trợ Hezbollah mạnh mẽ hơn, tình thế sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều và sẽ không chỉ giới hạn tại miền Nam Lebanon.

“Điều này có thể kích hoạt một xung đột lớn tại Trung Đông. Tức là có thể làm bùng phát phong trào Intifada thứ 3 tại khu vực Bờ Tây hoặc có thể thúc đẩy nhiều cuộc chiến ở những nơi khác, như xung đột giữa Saudi Arabia và lực lượng Houthi ở Yemen, hoặc có thể Syria sẽ đưa quân trở lại cao nguyên Golan. Đó có thể sẽ là một cuộc chiến rất lớn”.

Cảnh báo của Paul Moorcraft trở nên cấp bách hơn sau khi quân đội Iran trong đêm 01/10 phóng gần 200 tên lửa đạn đạo nhằm vào Israel với tuyên bố để đáp trả các vụ sát hại lãnh đạo Hamas và Hezbollah gần đây, trong đó lần đầu tiên sử dụng các tên lửa siêu vượt âm hiện đại nhất của nước này, đánh dấu bước leo thang đáng kể so với cuộc tấn công tương tự hồi tháng 04 năm nay và đẩy Israel vào tình thế buộc phải trả đũa mạnh mẽ.

Nguy cơ khủng hoảng toàn diện tại Lebanon

Bên cạnh các nguy cơ làm bùng phát một cuộc chiến toàn diện tại Trung Đông, tình hình hiện nay còn đe dọa đẩy Lebanon đến bờ vực của một cuộc khủng hoảng toàn diện. Tính đến ngày 01/10, đã có khoảng 1.000 thường dân Lebanon thiệt mạng trong các cuộc tấn công trong hơn 1 tuần qua của quân đội Israel nhằm vào các cơ sở của lực lượng Hezbollah, trong đó ngày 23/09 là ngày đẫm máu nhất trong hơn 3 thập kỷ qua tại Lebanon khi có đến 492 người thiệt mạng và hơn 1.600 người bị thương vì các cuộc không kích của Israel.

Nếu tính từ tháng 10 năm ngoái, khi sự thù địch giữa lực lượng Hezbollah và Israel gia tăng sau khi bùng phát xung đột tại dải Gaza, đã có hơn 1.600 dân thường Lebanon thiệt mạng vì giao tranh giữa hai bên, trong đó có hơn 100 trẻ em. Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng ứng phó khủng hoảng Lebanon, ông Nasser Yassin, đã có hơn 1 triệu người Lebanon phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn kể từ khi quân đội Israel gia tăng các đợt tấn công nhằm vào lãnh thổ nước này trong 2 tuần qua.

Các diễn biến này đang đẩy Lebanon lún sâu hơn vào tình cảnh khó khăn, trong bối cảnh quốc gia này từ nhiều năm qua đã phải ứng phó với một cuộc khủng hoảng chính trị-kinh tế-xã hội nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ, đặc biệt sau vụ nổ ở cảng Beirut năm 2021.

Phát biểu tuần trước tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc, Ngoại trưởng Lebanon, ông Abdallah Bouhabib, cho biết tình hình tại quốc gia này đang xấu đi từng ngày. “Lebanon hiện nay đang trong một cuộc khủng hoảng đe doạ sự sống còn của quốc gia. Tương lai của nhân dân Lebanon và sự thịnh vượng của Lebanon đang gặp hiểm ngụy. Tình hình hiện nay đòi hỏi sự can thiệp cấp bách của cộng đồng quốc tế, trước khi mọi thứ vượt tầm kiểm soát, với hiệu ứng domino khiến cuộc khủng hoảng này không thể kiềm toả”.

Trong báo cáo về tình hình Lebanon đưa ra tuần trước, các cơ quan của LHQ phụ trách vấn đề tị nạn (UNHCR) và nhân đạo (OCHA) cho biết rất nhiều cơ sở y tế và nhân đạo tại Lebanon bắt đầu rơi vào tình cảnh quá tải vì các diễn biến leo thang bạo lực hiện nay. Trong lúc này, sứ mệnh gìn giữ hoà bình của LHQ tại Lebanon theo Nghị quyết 1701 năm 2006 cũng gần như tê liệt. Jean-Pierre Lacroix, Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách các sứ mệnh gìn giữ hoà bình, cho biết ngay cả Lực lượng tạm thời của LHQ tại Lebanon (UNIFIL) cũng đang bị đe doạ bởi diễn biến xung đột tại Nam Lebanon, khiến sứ mệnh bảo vệ thường dân của UNIFIL càng trở nên khó khăn.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác