Trung - Nhật- Hàn, gác tranh chấp, cùng hợp tác


(VOV5) – Ngày 21/8 quan chức thương mại 3 nước Trung-Nhật-Hàn gặp nhau tại thành phố Thanh Đảo, miền Bắc Trung Quốc để tiếp tục đàm phán về Hiệp định thương mại tự do (FTA) 3 bên. Mặc dầu trong bối cảnh quan hệ ngoại giao giữa 3 nước đang căng thẳng do tranh chấp lãnh thổ, nhưng giới phân tích nhìn nhận những xung đột này sẽ không ảnh hưởng lớn đến tiến trình ký kết FTA bởi những lợi ích kinh tế to lớn mà FTA này mang lại cho mỗi nước.


Trung - Nhật- Hàn, gác tranh chấp, cùng hợp tác - ảnh 1
Ảnh: toquoc.vn

Theo thông tin từ trang mạng của Đài KBS Hàn Quốc, tại cuộc gặp lần này, các bên sẽ giải quyết các vấn đề sơ bộ như các nguyên tắc cơ bản của thỏa thuận thương mại 3 bên, phạm vi các lĩnh vực kinh tế cũng như các vấn đề thủ tục, tiếp tục triển khai các cam kết trước đó, nhất là những cam kết đã thông qua tại vòng đàm phán đầu tiên về FTA tại Nhật Bản hồi tháng 6 vừa qua, quyết tâm khởi động các cuộc thương lượng quan trọng trước cuối năm nay để tiến tới thiết lập một thỏa thuận thương mại tự do 3 bên trong thời gian sớm nhất.

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên các bên mới đưa vấn đề FTA ra bàn. Còn nhớ, kể từ khi Bắc Kinh đề xuất sáng kiến thành lập khu vực thương mại tự do vào cuối năm 2002, 3 nước đã quyết tâm theo đuổi tiến trình đàm phán FTA. Chính điều đó đã giúp thúc đẩy thương mại giữa các bên tăng trưởng. Cụ thể như trong một thập kỷ qua, kim ngạch thương mại giữa ba nước đã tăng hơn 5 lần và hiện đã vượt quá 690 tỷ USD. Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm vị trí thứ 4 và thứ 6 trong số các đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Năm 2011, kim ngạch thương mại Trung-Nhật đạt hơn 340 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2010. Kim ngạch thương mại Trung – Hàn đạt 250 tỷ USD và dự kiến năm 2015 có thể đạt 300 tỷ USD.

Cùng với những tiềm lực kinh tế do FTA mang lại, mỗi nước đều có tính toán riêng của mình về lợi ích chiến lược. Trước đây, Trung Quốc không mặn mà với FTA giữa 3 nước, nhưng trong tình hình Hàn Quốc- Hoa Kỳ đã hình thành FTA, Nhật Bản đã gia nhập Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng, nên Trung Quốc không muốn bị cô lập ở Châu Á - Thái Bình Dương nhất là khu vực Đông Bắc Á. Bởi vậy, hình thành FTA sẽ là chỗ dựa của Trung Quốc để kiểm soát Đông Bắc Á. Ngoài ra, với sức mạnh kinh tế của mình, sau khi FTA 3 nước ra đời, Trung Quốc hy vọng dùng FTA để duy trì địa vị bá quyền kinh tế của mình ở khu vực Đông Bắc Á, nhất là sự phụ thuộc của hai nước Nhật Bản, Hàn Quốc vào thị trường to lớn của mình. Với Nhật Bản, FTA một mặt giúp nước này mở rộng thị trường cho hàng hóa của mình tại Trung Quốc, mặt khác dựa vào TPP để kiềm chế Trung Quốc. Còn Hàn Quốc kể từ khi vươn lên trở thành nước tăng trưởng thương mại lớn, Hàn Quốc không thể làm ngơ đứng nhìn hai nước Trung – Nhật thành lập FTA để đẩy hàng hóa của mình ra rìa thị trường hai nước.

Rõ ràng, FTA là mối lợi vô cùng to lớn không thể xem nhẹ, tuy nhiên, tiến trình đàm phán này đã gặp nhiều trở ngại do những bất đồng trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quân sự và lợi ích chiến lược. Chính lực cản đó đã khiến các bên chưa tìm được tiếng nói chung trong suốt 10 năm qua. Thế nhưng, trong bối cảnh khủng hoảng nợ công Châu Âu ngày càng trầm trọng, kinh tế Mỹ trầm lắng, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang trở thành khu vực kinh tế năng động của thế giới, khiến cả 3 nước đã có cách nhìn nhận tích cực hơn. Bởi vậy, việc các bên tạm gác căng thẳng, tranh chấp liên quan tới lãnh thổ, cùng ngồi lại với nhau để bàn thảo, tìm ra đường đi thuận lợi nhất cho đàm phán thương mại là điều được giới quan sát nhìn nhận là việc làm hợp với xu thế hiện nay.

Để chuẩn bị cho cuộc gặp quan trọng tại thành phố Thanh Đảo này, hồi tháng 6/2012, giới chức thương mại 3 nước đã gặp nhau tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản để tiến hành vòng thảo luận đầu tiên về FTA. Trước đó, vào tháng 5/2012, các bộ trưởng thương mại 3 nước đã gặp nhau tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc và đã nhất trí khởi động các cuộc thương lượng quan trọng trước cuối năm nay để thiết lập một thỏa thuận tự do thương mại 3 bên. Tại hội nghị cấp cao Trung-Nhật-Hàn lần thứ 5 diễn ra tại Bắc Kinh (trung tuần tháng 5/2012), 3 nước đã ra Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện 3 bên cam kết tăng cường quan hệ hợp tác hướng tới tương lai. Các nhà lãnh đạo khẳng định sẽ đẩy mạnh hợp tác trên quan điểm tạo lập một môi trường cạnh tranh cho thương mại và đầu tư. Ngay trước thềm cuộc gặp, ngày 20/8, nhằm xoa dịu những căng thẳng vừa nảy sinh trong quan hệ Trung - Nhật liên quan đến quần đảo tranh chấp Điếu Ngư, mà phía Nhật Bản gọi là Sensaku, phát biểu trong một cuộc họp báo, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Osamu Fujimura nêu rõ, cả 2 nước đều không mong muốn vấn đề liên quan đền quần đảo tranh chấp ảnh hưởng tới các mối quan hệ song phương. Quan hệ với Trung Quốc là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất đối với Nhật Bản và là không thể thiếu đối với sự ổn định và thịnh vượng của khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Tokyo mong muốn tiếp tục làm sâu sắc thêm những mối quan hệ có lợi cho cả hai nước...

Hy vọng đã mở đối với triển vọng FTA giữa 3 bên. Thành công trong đàm phán FTA 3 bên, những quốc gia đứng trong "top 10" của nền kinh tế thế giới hiện nay, sẽ là động lực to lớn để thúc đẩy kinh tế từng nước tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Thêm vào đó, nó sẽ là nhân tố tích cực cho sự ổn định của kinh tế trong khu vực nói riêng và giúp giảm áp lực lên cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay./.

 

Phản hồi

Các tin/bài khác