Từng bước tháo gỡ khó khăn, thực hiện chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế

(VOV5)- Một nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ Việt Nam xác định trong năm 2012 là tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, đồng thời tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Nội dung này cũng là đề tài “nóng” được tập trung thảo luận và trình lên Quốc hội xem xét tại Kỳ họp quốc hội lần này. Đây cũng là nội dung quan tâm của các nhà tài trợ quốc tế tại Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) diễn ra trong 2 ngày hôm nay và ngày mai tại Quảng Trị.


Mặc dù những tháng đầu năm 2012, kinh tế Việt Nam có những dấu hiệu tích cực như lạm phát được kiềm chế, mặt bằng lãi suất đã giảm dần, tỷ giá ổn định, xuất khẩu tăng cao, nhập siêu giảm mạnh, nhưng cũng đồng thời bộc lộ nhiều thách thức lớn. Đó là xuất hiện dấu hiệu suy giảm tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng trưởng GDP quý 1 năm 2012 chỉ đạt 4%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2011. Việc thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, chính sách tiền tệ chặt chẽ mặc dù góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng cũng để lại hệ quả là làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn. Lãi suất vay còn cao, nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, chi phí đầu vào lớn, sản phẩm tiêu thụ chậm, tồn kho cao, dẫn đến quy mô sản xuất phải thu hẹp, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc phá sản, lao động mất việc làm tăng, gây dức ép lớn đến ổn định xã hội và đời sống người dân.

Từng bước tháo gỡ khó khăn, thực hiện chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế - ảnh 1
Chính phủ xác định tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh


Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam xác định cần phải tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, nhưng cũng đồng thời thực hiện chủ trương nhất quán là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô để tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững. Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường ra đời tháng 5 vừa qua đã phần nào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, được cộng đồng doanh nghiệp

Theo Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, đại biểu quốc hội tỉnh Bình Định, khác với những gói cứu trợ trước, một trong những nguyên tắc của lần hỗ trợ doanh nghiệp này là đặt trong bối cảnh kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đây là gói hỗ trợ chứ không phải gói kích cầu. Bởi vậy, các biện pháp hỗ trợ được đưa ra dựa trên cơ sở nghiên cứu tổng kết đánh giá rất công phu, kỹ lưỡng.


Bộ trưởng Bộ tài chính Vương Đình Huệ khẳng định: "Tập trung tháo gỡ, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cả chi phí đầu vào lẫn đầu ra và sử dụng vốn. Đối với hỗ trợ đầu ra, Chính phủ xác định cũng phải tăng tổng cầu, tức là phải đẩy mạnh việc phân bổ, giao vốn và giải ngân cho các dự án đầu tư công từ ngân sách nhà nước, từ trái phiếu chính phủ, từ các chương trình mục tiêu quốc gia. Đối với đầu vào, mục tiêu là làm sao giúp cho doanh nghiệp giảm bớt chi phí tài chính, chi phí hoạt động. Chính phủ đưa ra các giải pháp về giãn thuế giá trị gia tăng, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, giãn tiền thuê sử dụng đất, thậm chí cho các doanh nghiệp giãn nợ thuế."


Theo ông Cao Sỹ Kiêm, đại biểu quốc hội tỉnh Thái Bình, đây là gói hỗ trợ có thể nói là tối ưu nhất từ trước đến nay xét cả về quy mô cũng như nội dung tiếp cận, được đánh giá là kịp thời, thể hiện rõ sự nỗ lực của Chính phủ cùng chung tay giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn: "Nếu thực hiện được nghiêm túc thì họ có thể giúp doanh nghiệp giãn vốn ra. Những cái không phải nộp, giãn ra đó thì doanh nghiệp có thể đầu tư vào các lĩnh vực để có điều kiện sản xuất tốt hơn, trả nợ tốt hơn, chi phí tốt hơn và cũng là yếu tố để doanh nghiệp vượt khó khăn"


Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng để các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ đạt hiệu quả cần sự nỗ lực không chỉ từ chính phủ, các bộ, ngành mà còn của chính các doanh nghiệp. Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, cho rằng vì một mặt vừa phải đảm bảo mục tiêu chính là ổn định kinh tế và kiểm soát lạm phát, đồng thời duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, vừa phải có những biện pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh như giãn thuế, hạ lãi suất cho vay, bởi vậy bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải tăng trách nhiệm xã hội của mình để làm sao doanh nghiệp được hỗ trợ phải đóng góp vào mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội: "Khi miễn giảm thuế như vậy thì sẽ tác động như thế nào đến nguồn thu của đất nước. Khi đó chính sách xã hội mà doanh nghiệp phải thực hiện, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động phải tăng lên. Cái gì cũng phải có 2 mặt. Khi chúng ta bỏ 1 đồng tiền từ ngân sách nhà nước thì chúng ta có quyền đòi hỏi doanh nghiệp, doanh nghiệp phải có chính sách như thế nào đối với người lao động."

Từng bước tháo gỡ khó khăn, thực hiện chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế - ảnh 2
Để các giải pháp hỗ trợ của chính phủ đạt hiệu quả cần cả sự nỗ lực từ các doanh nghiệp

Mới đây, tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, một hoạt động diễn ra trước thềm Hội nghị CG, đại diện Ngân hàng thế giới, bà Victoria Kwa kwa cũng nhấn mạnh không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tựa nhờ vào gói hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam lần này. Việc xác định rõ tiềm lực, khả năng, lĩnh vực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để tiến hành hỗ trợ là điều rất cần thiết. Bà Victoria Kwa Kwa cũng cho rằng việc thực hiện thành công các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư sẽ là liều kích thích cho phát triển kinh tế dài hạn của Việt Nam.

Sự quyết tâm, đồng thuận trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp sẽ là yếu tố quan trọng để thực hiện các giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời vừa đảm bảo kiểm soát lạm phát vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa đảm bảo tăng trưởng ở mức 6%. Đây cũng là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng phải thực hiện, bởi đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo ổn định và phát triển bền vững./. 

 

Phản hồi

Các tin/bài khác