(VOV5) - Thời gian qua, tổng vốn đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn là con số không nhỏ. Mặc dù Nhà nước đã rất chú trọng đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, nhưng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng trong lĩnh vực này, kết quả đạt được chưa tương xứng với tỷ lệ dân số Việt Nam gắn với nông nghiệp, nông thôn. Để huy động được nhiều hơn nữa nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp và toàn xã hội cho khu vực này thì cần phải có những chính sách, giải pháp hữu hiệu. Đây là vấn đề được thảo luận sôi nổi tại nghị trường Quốc hội ngày 5/6, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 13.
|
Theo thống kê, trong giai đoạn từ 2006-2011, tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn là khoảng hơn 430 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Trong giai đoạn này, tổng giá trị Hiệp định về vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) được ký kết khoảng hơn 26 tỷ USD, chiếm trên 94% là nguồn vốn vay ưu đãi, trong đó vốn đầu tư dành cho nông nghiệp, thủy lợi, lâm nghiệp, thủy sản phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn, giảm nghèo là hơn 3,8 tỷ USD. Dư nợ cho vay theo cơ chế tín dụng thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng tăng trưởng đều qua các năm với tốc độ tăng bình quân 24%/năm. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn Việt Nam đã dần thay đổi theo hướng hiện đại hơn, từng bước giải quyết việc làm, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội ngày càng tốt hơn, đời sống vật chất, tinh thần đối với nông dân ngày càng được cải thiện.
Tuy nhiên, có một thực tế là do nhu cầu rất lớn nên đến nay hầu hết các bộ, ngành, địa phương đều thiếu vốn cho nhu cầu đầu tư phát triển, đời sống của người nông dân vẫn còn thấp. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trong báo cáo trình bày trước quốc hội về thực hiện chính sách đầu tư cho nông nghiệp-nông dân-nông thôn cũng nêu rõ: “Do địa bàn nông nghiệp, nông thôn rộng lớn, địa hình phức tạp, nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao, sản xuất chưa phát triển, thu nhập của người dân còn thấp, đời sống khó khăn... Trong khi đó, khả năng đầu tư của Nhà nước và toàn xã hội thì có hạn. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp chịu rủi ro cao do sự tác động trực tiếp của thời tiết khí hậu, biến động của môi trường, dịch bệnh... việc phòng chống, khắc phục hậu quả là rất khó khăn phức tạp nên khó thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia”.
|
Hệ thống thủy lợi do nhà nước đầu tư phục vụ sản xuất (Ảnh: Interrnet) |
Để thu hút đầu tư cho nông nghiệp hiệu quả hơn, yêu cầu cấp bách hiện nay là cần phải sớm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tuy nhiên, thực tế, các chính sách pháp luật cho lĩnh vực này vẫn còn nhiều bất cập. Một số văn bản hướng dẫn ban hành chưa kịp thời, đầy đủ còn chồng chéo, mâu thuẫn gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Cơ chế phân cấp về quyết định đầu tư và phân bổ vốn theo hướng tăng cường quyền quyết định cho các cấp là phù hợp nhưng lại thiếu các biện pháp đồng bộ và thiếu kiểm tra, kiểm soát dẫn đến tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án đầu tư mà không tính đến khả năng về nguồn vốn.
Bên cạnh đó, việc khống chế hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân quy định trong Luật Đất đai là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà, nông dân không dám đầu tư lớn. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thu Anh, đại biểu quốc hội tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: “Tôi đề nghị cần rà soát một cách chi tiết việc sử dụng đất đai trên phạm vi toàn quốc, phải xác định cho được quỹ đất cơ bản dùng cho nông nghiệp, đặc biệt là đất lúa. Cần thực hiện công bằng trong việc thu hồi đất, phải khẳng định chủ trương giao đất, thuê đất, ổn định lâu dài cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển quyền sử dụng đất yên tâm đầu tư phát triển sản xuất lâu dài”.
Nhiều ý kiến đại biểu cũng đề nghị để huy động nguồn lực nhiều hơn cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn, bên cạnh chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng cũng cần chú trọng việc nâng cấp hạ tầng một cách đồng bộ, đặt biệt chú ý đến vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Công tác quy hoạch cần có sự thống nhất từ trung ương đến địa phương, giữa quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực. Bên cạnh đó, đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu khác, cần tạo cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, như chính sách tín dụng, phát triển thị trường, thuế, phát triển khoa học công nghệ, công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho nông dân, giao quyền chủ động cho địa phương phân bổ chi tiết cho từng dự án, công trình cụ thể theo tiêu chí quy định và dưới sự giám sát, kiểm tra của Trung ương.
|
Nâng cấp hạ tầng để xây dựng nông thôn mới (Ảnh: Interrnet) |
Đặc biệt, trong chính sách đầu tư cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn không thể thiếu yếu tố con người, bởi đây là nguồn lực quan trọng góp phần xây dựng thành công mô hình nông thôn mới. Ông Nguyễn Bắc Việt, đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, nhấn mạnh: “Phải có cán bộ thì mới có đột phá cho xây dựng, cho phát triển. Tôi cho rằng cần sớm ban hành chính sách lương đối với cán bộ cấp cơ sở. Quốc hội cần sớm triển khai ngay trong năm nay. Trong lộ trình 2012-2013 phải có nội dung này để thực sự tạo nguồn lực động viên để cán bộ cấp cơ sở xã, phường, vùng sâu, vùng xa thực sự yên tâm lo cho phát triển vùng nông thôn mới”.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả, ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Kiên trì triển khai việc xây dựng nông thôn mới, tập trung chỉ đạo cụ thể, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, diện mạo nông thôn Việt Nam sẽ có những bước thay đổi đáng kể trong thời gian tới./.