Vận động bầu cử: Lời hứa và trách nhiệm của các ứng cử viên

(VOV5) -  Qua các cuộc tiếp xúc cử tri cho thấy những chương trình hành động của các ứng cử viên đều bám sát thực tiễn cuộc sống, đề cập trực tiếp đến nhiều vấn đề dư luận quan tâm.


Sau khi kết thúc 3 vòng hiệp thương, tại thời điểm này, các địa phương của Việt Nam bắt đầu tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để các ứng cử viên trong tổng số 870 người ứng cử đại biểu Quốc hội vận động bầu cử. Đây là hoạt động quan trọng để các ứng cử viên trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu trúng cử, cũng là dịp để cử tri có thêm thông tin về các ứng cử viên và quyết định bầu cho ai.

Vận động bầu cử: Lời hứa và trách nhiệm của các ứng cử viên - ảnh 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại quận Hoàn Kiếm. (Ảnh: TTXVN)


Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, nguyên tắc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Việc vận động bầu cử của người ứng cử được tiến hành bằng hình thức: Gặp gỡ, tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử để trình hành động nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Chương trình hành động sát thực tế

Qua các cuộc tiếp xúc cử tri cho thấy những chương trình hành động của các ứng cử viên đều bám sát thực tiễn cuộc sống, đề cập trực tiếp đến nhiều vấn đề dư luận quan tâm. Đơn cử tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh 3 nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình hành động của mình, trong đó có việc tập trung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng tổ chức bộ máy trong sạch, vững mạnh.

Việc giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được coi là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, quan trọng; giữ gìn cho được độc lập chủ quyền quốc gia, trong đó có chủ quyền biển, đảo cũng như môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Để làm được những việc này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác định phải thường xuyên gắn bó với nhân dân, lắng nghe nhân dân, giữ mối quan hệ tốt với nhân dân. Trong khi đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra các giải pháp để cùng Đảng, Quốc hội và nhân dân phấn đấu  đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Thủ tướng đề cập những cơ chế chính sách để giải phóng sức sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; kiểm soát nợ công, xử lý nợ xấu; kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng Chính phủ liêm chính, trong sạch; đảm bảo an ninh, quốc phòng; bảo vệ chủ quyền đất nước; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó là các giải pháp giảm tỉ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Nhìn tổng quan, trong chương trình hành động, các ứng cử viên đều khẳng định sẽ tích cực đóng góp tâm sức, trí tuệ xứng đáng với sự tín nhiệm, tin tưởng, gửi gắm của cử tri, tăng cường tiếp xúc cử tri. Các ứng cử viên cũng cam kết trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, sẽ phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm để xử lý, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri và báo cáo kết quả với cử tri. Đánh  giá chung về chương trình hành động của các ứng cử viên, ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên thường trực, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng: “Điều quan trọng trong chương trình hành động của người ứng cử Đại biểu quốc hội là nói được tiếng nói của cử tri trên diễn đàn Quốc hội và trước cơ quan Trung ương, địa phương để thể hiện tâm tư, nguyện vọng của người dân. Giải quyết được nguyện vọng của người dân, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, kể cả phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững ổn định chính trị đất nước. Tất cả những nguyện vọng đó là nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Tôi cho rằng chương trình hành động trong 5 năm thể hiện được nội dung đó”.

Cử tri tin tưởng

Qua các cuộc tiếp xúc giữa các ứng cử viên với cử tri, cử tri bày tỏ tin tưởng các ứng cử viên nếu trúng cử đại biểu Quốc hội sẽ triển khai hiệu quả chương trình hành động. Cử tri cũng tin tưởng các ứng cử viên phát huy trí tuệ, đổi mới hoạt động, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, giám sát, xử lý được những vấn đề lớn của đất nước. Cử tri Sùng Seo Hồ, ở huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, cho biết: “Chúng tôi đánh giá rất cao Chương trình hành động của các ứng cử viên Đại biểu Quốc hội. Đối với các ứng cử viên được cử tri tín nhiệm bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa XIV, chúng tôi mong muốn các Đại biểu quan tâm về chế độ chính sách cho đồng bào cũng như chế độ chính sách hỗ trợ đối với vùng sâu vùng xa của huyện Si Ma Cai nói riêng và của toàn quốc nói chung”.

Các hội nghị tiếp xúc cử tri bắt đầu từ ngày 27/4/2016, ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử, và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ.

Lời hứa của đại biểu Quốc hội, những người được nhân dân tín nhiệm bầu vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, là danh dự, là lòng tự trọng. Vì thế, cùng với lời hứa trong vận động bầu cử, sự thuyết phục bằng chính hoạt động thực tế của mỗi ứng viên là điều quan trọng, góp phần cùng cố niềm tin của cử tri đối với cơ quan lập pháp.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác