(VOV5) - Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật, trong đó có tư tưởng về hoạt động lập pháp, là kim chỉ nam cho hoạt động xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật ở Việt Nam.
Đúng vào dịp khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Việt Nam khóa XV và sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/6/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có bài viết nhan đề “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động lập pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Trong bài viết, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặc biệt chỉ ra những định hướng về hoạt động lập pháp trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
hủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: quochoi.vn |
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật, trong đó có tư tưởng về hoạt động lập pháp, là kim chỉ nam cho hoạt động xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật ở Việt Nam. Việc học tập, vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về hoạt động lập pháp trong giai đoạn ngày nay có vai trò rất quan trọng. Trong thời gian tới, hoạt động lập pháp của Việt Nam phải đáp ứng 06 yêu cầu. Đó là:
Thứ nhất, hoạt động lập pháp phải bảo đảm tạo hành lang pháp lý để Nhà nước được tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Để làm được như vậy, hoạt động lập pháp phải tạo được những bước đột phá thực sự về thể chế để giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, rất thiết thực và cụ thể, bảo đảm sự bao phủ của pháp luật đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Thứ hai, hoạt động lập pháp phải bảo đảm việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người, các quyền và tự do của công dân, giữ vững mối liên hệ giữa Nhà nước và công dân, giữa Nhà nước và xã hội; đảm bảo quyền con người trong mọi lĩnh vực hoạt động của Nhà nước và xã hội. Mọi hoạt động của Nhà nước đều phải xuất phát từ sự tôn trọng và đảm bảo quyền con người, tạo mọi điều kiện cho công dân thực hiện quyền của mình theo đúng các quy định của luật pháp.
Thứ ba, hoạt động lập pháp phải bảo đảm quyền lực nhà nước được tổ chức và thực hiện theo các nguyên tắc: phân công, phối hợp quyền lực và kiểm soát quyền lực. Tính chất và cách thức phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước rất đa dạng tùy thuộc vào chính thể nhà nước ở các nước khác nhau, nhưng đều có điểm chung là quyền lực nhà nước phải được phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Đồng thời, việc tổ chức và thực thi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ với các cơ chế kiểm soát quyền lực cụ thể kể cả bên trong bộ máy nhà nước và bên ngoài bộ máy nhà nước.
Thứ tư, hoạt động lập pháp phải bảo đảm một cơ chế bảo vệ Hiến pháp và pháp luật phù hợp. Nền tảng của nhà nước pháp quyền là Hiến pháp và một hệ thống pháp luật dân chủ và công bằng, do vậy, một cơ chế bảo vệ Hiến pháp và pháp luật luôn là một yêu cầu, một điều kiện cần thiết nhằm đảm bảo cho Hiến pháp, pháp luật luôn được tôn trọng, đề cao và tuân thủ nghiêm minh. Hình thức và phương thức bảo vệ Hiến pháp và pháp luật ở các quốc gia có thể đa dạng và khác nhau, nhưng đều hướng tới mục tiêu là bảo đảm địa vị tối cao, bất khả xâm phạm của Hiến pháp, loại bỏ hành vi trái với tinh thần và quy định của Hiến pháp.
Thứ năm, hoạt động lập pháp phải bảo đảm thích ứng với những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo đó, hoạt động lập pháp phải tạo cơ sở pháp lý để tận dụng tối đa những thành tựu, những tác động tích cực của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.
Thứ sáu, hoạt động lập pháp phải bảo đảm Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây là nội dung hết sức quan trọng, thể hiện rõ nét nhất đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong thời gian tới, Quốc hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện học tập tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động lập pháp, xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Theo hướng này, hoạt động lập pháp của Quốc hội tập trung vào một số lĩnh vực quan trọng. Đó là xây dựng và hoàn thiện pháp luật về chủ quyền, biên giới quốc gia; xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quyền con người, quyền công dân, hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở; xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phát triển bền vững kinh tế - xã hội - môi trường; tiếp tục đổi mới quy trình lập pháp, mở rộng dân chủ trong xây dựng pháp luật để các quy định của luật có tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, có căn cứ khoa học; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật; tuyên truyền, phổ biến, lan tỏa, phát huy tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong hoạt động lập pháp nói riêng, quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam nói chung
Cuối cùng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định việc vận dụng, phát huy những thành tựu vô giá của tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động lập pháp cùng với việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa hoạt động của Quốc hội, nâng cao vai trò của Quốc hội, cơ quan đại diện cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Việt Nam là nền tảng, yêu cầu bắt buộc để hoàn thiện hệ thống pháp luật góp phần xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam