(VOV5) - Đảng và Nhà nước luôn nhất quán quan điểm phát triển kinh tế gắn với xã hội, môi trường, trong đó luôn chú trọng giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.
Việt Nam sẽ tiếp tục dành công sức và những nguồn lực thỏa đáng cho công cuộc xóa đói giảm nghèo trong những năm tới, để hướng đến mục tiêu vì một Việt Nam không có đói nghèo vào năm 2045, năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Đây là một mục tiêu nhiều ý nghĩa, thể hiện định hướng quan trọng của lãnh đạo Việt Nam trong đảm bảo an sinh xã hội, vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, diễn ra ngày 11/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn nhất quán quan điểm phát triển kinh tế gắn với xã hội, môi trường, trong đó luôn chú trọng giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo, giai đoạn 2016-2020 diễn ra ngày 11/12 tại Hà Nội. - Ảnh: Báo Nhân Dân |
Những thành quả không thể phủ nhận
Nếu như năm 2016, năm đầu tiên thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam là 4,25%, thì đến nay chỉ còn khoảng 2,75%. Như vậy là sau 5 năm, đã có 6 triệu người thoát nghèo. Trong số 64 huyện nghèo, nay chỉ còn một nửa. Để có được kết qủa này, tổng nguồn lực được bố trí cho các dự án trong chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo 5 năm qua lên đến 93 nghìn tỷ đồng (hơn 4 tỷ USD), trong đó hơn một nừa là ngân sách Nhà nước. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Quốc hội, Chính phủ đã tăng gấp 2 lần ngân sách đầu tư cho giảm nghèo so với giai đoạn trước. 21% ngân sách Nhà nước đã dành cho phúc lợi xã hội, mức cao nhất trong số các nước ASEAN. Ít có nước nào có thu nhập như Việt Nam mà toàn bộ người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số được bảo hiểm y tế miễn phí. Trong dịch COVID-19, Việt Nam có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho 13 triệu người với nhiều mức độ khác nhau.
Những thành quả giảm nghèo của Việt Nam có được là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền Trung ương và địa phương; sự hưởng ứng, ủng hộ của nhân dân trong và ngoài nước. Đặc biệt, là của những địa phương vươn lên thoát nghèo với tinh thần tự cường dân tộc.
Vì một Việt nam không có đói nghèo
Là một quốc gia mà hậu quả của chiến tranh đối với con người vẫn còn nặng nề, đồng thời lại là một trong những quốc gia chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu, vì thế công cuộc xóa đói giảm nghèo, chống tái nghèo sẽ luôn là thách thức lớn đối với Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Để thực hiện giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030 và mục tiêu phát triển bền vững của thế giới cho giai đoạn 2015-2030 của Liên Hợp Quốc, Việt Nam nỗ lực quyết tâm lớn hơn nữa, tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa những nhiệm vụ sau đây. Một là nghiên cứu trình Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các nghị quyết, chỉ thị về chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững đến năm 2030, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bao trùm và phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 “vì một Việt Nam không có đói nghèo ”. Việt Nam 2045 theo dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII là nước có thu nhập cao. Nhưng đi liền với đó, đến năm 2045, là một Việt Nam không có đói nghèo.”
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020. - Ảnh: Báo Nhân Dân |
Cụ thể hóa mục tiêu trên, Việt Nam sẽ hoàn thiện chính sách hỗ trợ người nghèo, chuẩn nghèo đa chiều, ưu tiên trẻ em, người cao tuổi và đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh hai chương trình mục tiêu quan trọng đang thực hiện là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Việt Nam sẽ thực hiện Nghị quyết Chương trình mục tiêu quốc gia về vùng đồng bào dân tộc miền núi, trong đó tiếp tục đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội ở các vùng khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông, kết nối để tạo cơ hội giao thương, việc làm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Để thực hiện trách nhiệm với người nghèo, tôi đề nghị cả nước triển khai phong trào mới: mỗi xã, phường, mỗi thôn, bản xây dựng mô hình giảm nghèo tiêu biểu, phù hợp với địa phương mình, với cách làm sáng tạo hơn nữa. Giảm nghèo bền vững bắt đầu từ trẻ em, cần đặc biệt quan tâm đến nguồn vốn con người. Các địa phương khá hơn nhận hỗ trợ các huyện nghèo, xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; phát động các phong trào thi đua thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững một cách sáng tạo, thực chất hơn.”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong lãnh đạo đất nước, tuyệt đại bộ phận người dân có thu nhập, không còn đói, nghèo là điều quan trọng nhất. Đây cũng chính là mục tiêu mà Việt Nam hướng tới, vì sự phát triển bền vững của đất nước