(VOV5) - Tại Việt Nam, quyền tự do đi lại được ghi nhận với tư cách là quyền cơ bản của con người, công dân tại điều 23 Hiến pháp năm 2013.
Bất chấp những khó khăn do dịch bệnh Covid-19, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã, đang và sẽ nỗ lực đảm bảo tối đa quyền tự do đi lại cho công dân Việt Nam và nước ngoài trên cơ sở pháp luật Việt Nam và quốc tế.
Công tác xuất - nhập cảnh được kiểm soát chặt chẽ trong đại dịch Covid-19. - Ảnh: VGP News
|
Về mặt luật pháp quốc tế, lần đầu tiên quyền tự do đi lại được ghi nhận tại Điều 13 Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế (UDHR) năm 1948, theo đó quyền tự do đi lại bao gồm: quyền tự do đi lại trong nước; quyền tự xuất cảnh/di cư; quyền nhập cảnh/nhập cư. Người nước ngoài, nếu sinh sống hay có mặt hợp pháp ở một quốc gia, có quyền tự do đi lại trong phạm vi lãnh thổ nước đó mà không bị ngăn chặn hay cản trở tùy tiện.
Quyền tự do đi lại có ý nghĩa quan trọng vì nó tạo tiền đề để một cá nhân hưởng thụ các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa khác. Quyền tự do đi lại của cá nhân là điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia.Tự do đi lại là một phần quan trọng của sự hợp tác giữa các quốc gia, bởi sự giao lưu, trao đổi về thông tin, kiến thức sẽ làm tăng cường hiểu biết giữa người dân của những nền văn hóa khác nhau, phá vỡ định kiến, xây dựng tình đoàn kết, thúc đẩy hòa bình, các giá trị nhân văn và thịnh vượng chung của các dân tộc.
Đoàn 219 công dân Việt Nam từ Guinea Xích đạo vui mừng khi đặt chân xuống sân bay Nội Bài ngày 29/7. - Ảnh: TTXVN |
Việc hạn chế bất hợp lý quyền tự do đi lại không chỉ làm tổn hại đến quyền con người của các cá nhân mà còn cản trở sự phát triển về mọi mặt xã hội. Chính vì lý do đó, quyền tự do đi lại được ghi nhận và bảo vệ từ rất sớm trong hiến pháp và pháp luật của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, quyền tự do đi lại được ghi nhận với tư cách là quyền cơ bản của con người, công dân tại điều 23 Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước”. Nội dung này là tương đồng với văn bản về quyền con người của luật pháp quốc tế.
Quy định về đi lại, cư trú của công dân Việt Nam và người nước ngoài ở Việt Nam được đề cập cụ thể tại Bộ luật Dân sự, Luật Quốc tịch, Luật Đầu tư, Luật Cư trú và các văn bản pháp luật khác liên quan. Chính phủ Việt Nam cũng đã ký kết 78 hiệp định và thỏa thuận song phương về miễn thị thực cho công dân các nước và vùng lãnh thổ, hiệp định biên giới các nước láng giềng, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân qua lại.
Điều đáng nói là trong đại dịch Covid-19, dù gặp nhiều khó khăn, song Đảng, Nhà nước đã, đang và sẽ nỗ lực hết mình đảm bảo những cam kết, nghĩa vụ quốc tế về quyền tự do đi lại của người dân. Khi đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, quyết định giãn cách xã hội toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ trong các thời điểm nhất định là cần thiết, phù hợp với luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam và đảm bảo quyền tự do đi lại của người dân, đúng như điều 12 Công ước Quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966 có ghi nhận rằng quyền tự do đi lại có thể phải chịu “…những hạn chế do luật định và là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội hoặc các quyền tự do của người khác”.
Chiểu theo luật pháp Việt Nam, khoản 2, điều 14 Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Như vậy, quyền tự do đi lại là thành tố quan trọng trong quyền con người và trong bối cảnh “sức khỏe cộng đồng” bị đe dọa bởi đại dịch Covid-19, quyết định của Thủ tướng Chính phủ là kịp thời và cần thiết, ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Quan trọng hơn, nó đã nhận được sự ủng hộ của người dân, bởi họ nhận thức rõ tác động của đại dịch Covid-19 và tầm quan trọng của kiểm soát sự lây lan trong cộng đồng. Những đợt giãn cách xã hội thành công, góp phần quan trọng để Việt Nam đẩy lùi đại dịch Covid -19 là minh chứng rõ nét cho điều đó.
Ở một khía cạnh khác, Đảng và Nhà nước cũng đặc biệt quan tâm và đã có biện pháp quản lý chặt công tác xuất nhập cảnh trong thời gian có dịch Covid-19. Theo đó, kể từ ngày 17/3, Việt Nam tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong 30 ngày, bắt đầu kể từ 0 giờ ngày 18/3. Điều này là phù hợp với luật pháp quốc tế, khi theo Bình luận chung số 27 của Ủy ban Nhân quyền năm 1999 về Cụ thể hóa điều 12 ICCPR, việc cho phép nhập cảnh và tư cách “hợp pháp” của người nước ngoài trên lãnh thổ quốc gia phụ thuộc vào quy định pháp luật và nghĩa vụ quốc tế của quốc gia đó. Về mặt luật pháp Việt Nam, điều này là hoàn toàn khả thi khi quyền tự do đi lại không phải là quyền tuyệt đối và có thể bị hạn chế “trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lây lan trên toàn cầu và hàng không thế giới gần như không hoạt động vì dịch bệnh, Đảng và Nhà nước Việt Nam nỗ lực tổ chức đưa được gần 50.000 công dân Việt Nam ở 48 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn. Hành động này không chỉ tuân thủ cam kết đảm bảo quyền nhập cảnh của mỗi công dân, được đề cập trong Hiến pháp năm 2013 và các văn bản luật pháp quốc tế, mà còn thể hiện tinh thần nhân văn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với những người con xa xứ.
Khi đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát cơ bản, từ ngày 15/9, các chặng bay thương mại từ Việt Nam tới một số quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực đã được phép hoạt động trở lại và một số đối tượng hành khách nhất định được nhập cảnh vào Việt Nam. Các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air cũng đã bắt đầu mở lại đường bay quốc tế đến những điểm an toàn tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan để đáp ứng nhu cầu học tập, lao động của người dân trong nước và quốc tế.
Trên cơ sở những thành quả đã đạt được thời gian qua, đặc biệt trong năm 2020, Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục đảm bảo các quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền tự do đi lại trên cơ sở pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế, đóng góp vào hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển của cộng đồng quốc tế.