(VOV5) - Việc gia nhập công ước 105 góp phần thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong các văn kiện này.
Với tỷ lệ tán thành 94,82%, đa số các đại biểu Quốc hội nhất trí thông qua Nghị quyết gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức, trong phiên họp sáng 8/6, của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Đây là một trong tám công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Việc xóa bỏ lao động cưỡng bức theo quy định tại Công ước số 105 là một trong những tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản, góp phần bảo đảm quyền tự do và phẩm giá của người lao động. Là thành viên ILO, việc Việt Nam gia nhập một trong những công ước cơ bản của tổ chức này khẳng định mạnh mẽ trách nhiệm của Việt Nam với ILO và cộng đồng quốc tế.
Việc Việt Nam gia nhập Công ước 105 khẳng định mạnh mẽ trách nhiệm của Việt Nam với ILO và cộng đồng quốc tế. -Ảnh” TTXVN |
Đề cập đến việc gia nhập công ước 105, Bộ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng: "Việc gia nhập công ước là thực hiện quyền công dân, quyền con người ở Việt Nam. Thứ hai là thực hiện trách nhiệm thành viên trong cộng đồng quốc tế. Về cơ sở pháp ý, pháp luật Việt Nam là đầy đủ và hệ thống pháp luật của Việt Nam hoàn toàn tương thích. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ xây dựng chương trình phân cấp từng ngành, từng điạ phương để phân cấp thực hiện."
Việt Nam đã và đang thực hiện rất nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó có các hiệp định đa phương có quy mô rất lớn như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (vừa được Quốc hội phê chuẩn trong chương trình nghị sự sáng nay). Việc gia nhập công ước 105 góp phần thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong các văn kiện này.