Việt Nam đã, đang thực hiện tốt việc cải cách nền kinh tế và nếu hoàn thành tốt điều này, nền kinh tế VN sẽ phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn nữa. Điều này được các đại biểu là đại diện cho các Chính phủ, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ khẳng định tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho VN năm 2011 vừa diễn ra hôm qua, tại Hà Nội. Theo các đại biểu việc VN vượt qua khó khăn và đứng vững trong bối cảnh nhiều nước Châu Âu đang khủng hoảng về vấn đề nợ công… đã chứng tỏ bước đi đúng đắn của Chính phủ VN.
Theo đánh giá của các đại biểu tham dự hội nghị, năm 2011 là 1 năm khó khăn đối với kinh tế Việt Nam, nhưng cũng là năm ghi nhận những thành công của Chính phủ Việt Nam trong việc xử lý, điều hành kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Với chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, điều hành linh hoạt, vốn tín dụng được ưu tiên cho sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa; Thị trường ngoại hối, dự trữ ngoại tệ và cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện. Cán cân tổng thể thặng dư đạt 3,1 tỷ USD. Bội chi ngân sách nhà nước cả năm ước giảm xuống còn 4,9% GDP thấp hơn so với kế hoạch là 5,3%. Vốn đầu tư công giảm tỷ trọng đầu tư xã hội từ 34,6% GDP xuống còn 31,2% năm 2011. Lạm phát được kiểm soát và 4 tháng gần đây, chỉ tăng ở mức dưới 1%. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 ước giảm 2% là một cố gắng lớn. Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho biết ADB cùng đại diện chính phủ, các tổ chức tài chính khẳng định sự ủng hộ chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam trong giai đoạn tới, nhất là tái cấu trúc nền kinh tế với 3 trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng. Dù năm 2011 là một năm khó khăn của nền kinh tế thế giới và VN nhưng VN vẫn kiên định với việc thực chính sách tiền tệ, tài khóa chặt chẽ và giảm được lạm phát. Chính vì vậy lòng tin vào nền kinh tế của Việt Nam đã được tăng cao và chúng tôi hoan nghênh tầm nhìn cũng như kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2011 -2015, đặc biệt là việc tái cơ cấu nền kinh tế để giải quyết các vấn đề quan trọng của lạm phát. Việc cải cách chính sách, thể chế kinh tế là rất cần thiết để đảm bảo thu nhập bình quân của người dân và một nền kinh tế vĩ mô ổn định hơn.
Trong khi đó, theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, năm 2011 là một năm khó khăn của kinh tế toàn cầu nhưng với việc kiên định đường lối phát triển, kinh tế VN vẫn tăng trưởng và xứng đáng nhận được nhưng đánh giá cao vì đã ổn định thành công các chính sách kinh tế vĩ mô. Điều đó đã góp phần bình ổn thị trường ngoại hối, dự trữ ngoại hối và giảm lạm phát. Tuy nhiên, Việt Nam cần tiếp tục duy trì thắt chặt các chính sách kinh tế vĩ mô cho đến khi đảm bảo đạt được kỳ vọng về lạm phát và lấy lại được lòng tin của thị trường. Bà cho rằng: “Vừa qua, Việt Nam đã xác định tái cơ cấu đầu tư công các doanh nghiệp nhà nước và khu vực tài chính là những ưu tiên cải cách trong 5 năm tới - Đây là một bước rất quan trọng. Bước tiếp theo cần thiết là một ý chí chính trị mạnh mẽ để cụ thể hóa việc tái cơ cấu này nhằm thúc đẩy việc thực thi việc tái cơ cấu nền kinh tế một cách đáng tin cậy. VN cần thực hiện khẩn trương bởi việc hành động chậm chễ sẽ dẫn tới việc nền kinh tế gặp khủng hoảng. VN sẽ dễ dàng hơn nếu theo đuổi việc tái cơ cấu nền kinh tế từ bây giờ hơn là khi khủng hoảng đã xảy ra.Chúng tôi ghi nhận những lĩnh vực khó khăn trong cải cách và với tư cách là các nhà tài trợ, đối tác phát triển, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy chương trình cải cách này..”
Theo đánh giá của đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam, Việt Nam đã đạt được mức phát triển thuộc nhóm thành công nhất trong khu vực. Tăng trưởng kinh tế nhanh đã giúp hàng triệu người dân thoát nghèo. Tuy nhiên, với tỷ lệ lạm phát cao, việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô cần được Việt Nam thực sự coi là vấn đề ưu tiên. Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, cho rằng mức độ tăng trưởng kinh tế sẽ đóng vai trò thiết yếu trong công tác giảm nghèo và “thắt chặt chi tiêu không đồng nghĩa với việc giảm đầu tư công cho công tác giảm nghèo và bảo trợ xã hội. Liên hợp quốc ủng hộ chính phủ Việt Nam và hoan nghênh việc chính phủ Việt Nam quyết định thiết lập một mô hình tăng trưởng kinh tế mới, đồng thời vận động mạnh mẽ hướng tới tăng trưởng cho tất cả mọi người, tăng trưởng xanh và vì người nghèo.”
Mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản của hộ gia đình anh Nguyễn Văn Hồi
thôn 3 Lương Thịnh, xã Tân Thịnh (TP. Yên Bái) cho thu nhập kinh tế cao. (Ảnh: Quỳnh Nga)
Năm 2012, theo nhận định của các đại biểu tham dự Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho VN năm 2011, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục phải đương đầu với nhiều khó khăn thách thức, do kinh tế vĩ mô chưa ổn định, lạm phát và lãi suất còn ở mức cao ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Ngoài ra, dự báo kinh tế thế giới năm 2012 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, thâm hụt ngân sách và nợ công tăng quá mức vẫn là áp lực lớn đối với các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, các nước EU đe doạ sự ổn định của kinh tế thế giới cũng như VN. Tuy nhiên, với việc Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ cam kết dành cho VN gần 7,4 tỷ USD vốn ODA trong năm 2012 cùng lời khẳng định sẽ luôn sát cánh cùng VN, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức vượt qua khủng hoảng kinh tế trên thế giới với VN… một lần nữa chứng tỏ niềm tin, sự kỳ vọng của cộng đồng quốc tế vào những cải cách kinh tế vững chắc, đúng hướng mà Chính phủ VN đang theo đuổi./.
Vĩnh Phong