(VOV5) - Với phương châm “thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam”, Việt Nam luôn chào đón và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư cùng thắng, cùng Việt Nam phát triển.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/01, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 2,36 tỷ USD, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tín hiệu tích cực từ tháng đầu tiên của năm mới cho thấy Việt Nam vẫn là một trong những lựa chọn ưu tiên của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2024.
Việt Nam được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá là điểm đến hấp dẫn, an toàn - Ảnh minh họa: TTXVN |
Việt Nam được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá là điểm đến hấp dẫn, an toàn. Điều này được thể hiện qua việc trong bối cảnh dòng đầu tư toàn cầu có xu hướng chậm lại, Việt Nam vẫn là một trong những lựa chọn ưu tiên của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong thời gian gần đây, Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của ngành bán dẫn, các ngành công nghiệp công nghệ cao... Báo cáo mới đây của ngân hàng HSBC nhận định bất chấp những thách thức thương mại, Việt Nam vẫn tiếp tục đi đầu trong thu hút FDI chất lượng tại Đông Nam Á.
Việt Nam – Điểm đến hàng đầu của các nhà đầu tư
Dự kiến, những sản phẩm đồ chơi LEGO "Made in Vietnam" chất lượng cao sẽ lần đầu tiên được xuất xưởng trong nửa cuối năm nay. Đây là kết quả từ khoản đầu tư 1,3 tỷ USD từ năm 2022 của Tập đoàn LEGO (Đan Mạch). Tính đến nay, đây là một trong những khoản đầu tư lớn nhất từ công ty Đan Mạch vào Việt Nam. Đề cập lý do lựa chọn Việt Nam để xây dựng nhà máy thứ 2 của LEGO ở châu Á, ông Preben Elnef, Phó Chủ tịch Tập đoàn LEGO kiêm Tổng Giám đốc Công ty Sản xuất LEGO tại Việt Nam, cho biết: "Chúng tôi đã nghiên cứu nhiều nước khác nhau tại khu vực Đông Nam Á. Trong số đó, chúng tôi chọn Việt Nam vì nhiều lý do, như: chính trị ổn định, nguồn lao động dồi dào và có kinh nghiệm... Chúng tôi đã phân tích rất nhiều thông số khác nhau, cụ thể là hơn 10 thông số, và chúng tôi đã quyết định lựa chọn Việt Nam. Chúng tôi rất vui vì đã lựa chọn Việt Nam và vô cùng phấn khởi khi giờ đây chúng tôi đã có mặt tại Việt Nam".
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có tổng cộng 111 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Các tiêu chí để Việt Nam nổi lên như một ứng viên đáng tin cậy cho các doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn đầu tư, bao gồm: địa điểm, lực lượng lao động, nguồn cung vật liệu, cơ sở hạ tầng, chính sách pháp luật, ưu đãi thuế… Nghiên cứu về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, bà Erin L.Murphy, thành viên cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), phụ trách chương trình châu Á, cho biết: "Việt Nam có 70% dân số dưới 35 tuổi. Họ có trình độ học vấn cao, trình độ kỹ thuật cao. Điều này giúp Việt Nam có lực lượng lao động có trình độ kỹ thuật về công nghệ cao. Việt Nam cũng có một nền văn hóa khởi nghiệp mạnh mẽ. Nơi đây cũng có nhiều nhà đầu tư quốc tế, một số đã ở đó từ giữa những năm 90, trong đó có Tập đoàn IBM. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các ưu đãi về thuế, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư dễ dàng tham gia vào thị trường này".
Trong bối cảnh địa chính trị trên thế giới phức tạp, Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài lớn trong lĩnh vực công nghệ. Tiêu biểu như Tập đoàn Samsung đầu tư 19 tỷ USD, gồm 6 nhà máy và 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam; hay Apple và nhiều nhà sản xuất hàng đầu thế giới khác, như: Google, Dell, Amazon cũng đang thiết lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam… Sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài còn được thể hiện bằng việc có đến 62% số doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tham gia khảo sát đã xếp hạng Việt Nam trong top 10 điểm đến đầu tư toàn cầu hàng đầu, trong đó 17% xếp Việt Nam ở vị trí cao nhất.
Chính phủ luôn tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam
Chính phủ Việt Nam luôn xác định đầu tư nước ngoài là một nguồn lực quan trọng để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm công ăn, việc làm, đời sống cho nhân dân. Do đó, Việt Nam có chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (FDI) với chủ đề “Đồng hành và phát triển”, ngày 16/10/2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Với phương châm “thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam”, Việt Nam luôn chào đón và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư cùng thắng, cùng Việt Nam phát triển. Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (FDI) với chủ đề “Đồng hành và phát triển”, ngày 16/10/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu lên 3 cam kết với các nhà đầu tư, đó là: "Việt Nam luôn bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư trong bất cứ trường hợp nào. Cam kết thứ 2 là luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài đảm bảo lợi ích, ổn định lâu dài, bền vững ở Việt Nam dựa trên nguyên tắc: lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Cam kết thứ 3 là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự, nhưng phải xử lý những người làm sai, vi phạm pháp luật để bảo vệ người làm đúng và tạo ra 1 môi trường kinh doanh, 1 hệ sinh thái sản xuất kinh doanh bình đẳng, lành mạnh và bền vững. Chúng tôi nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu ý kiến, đề nghị, để xuất của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài, với tinh thần cầu thị, chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành".
Theo dự báo của các chuyên gia, dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2024 và những năm tiếp theo, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã ký 16 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với hơn 60 nước, có quan hệ đối tác với nhiều nước thuộc Nhóm Các nền kinh tế Phát triển và Mới nổi hàng đầu thế giới (G20)…