Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

(VOV5) - Trong năm 2015, Việt Nam phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 6,2%, kim ngạch xuất khẩu tăng 10%, tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đang tập trung bàn các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và những năm tiếp theo. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục, phát triển bền vững luôn là mục tiêu hướng tới của Việt Nam.

Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững  - ảnh 1

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011- 2020, Việt Nam quyết tâm đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới với 3 đột phá triển lược là hoàn thiện thể chế chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, nhằm đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Trước mắt, trong năm 2015, Việt Nam phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 6,2%, kim ngạch xuất khẩu tăng 10%, tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động.

Thuận lợi đan xen thách thức

Báo cáo của Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 cho thấy có những chuyển biến tích cực, mở ra triển vọng để kinh tế Việt Nam phát triển trong thời gian tới. Năm 2014, Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội. Trong 14 chỉ tiêu đề ra có tới 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Đáng chú ý GDP năm 2014 đạt 5,98%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) kiềm chế ở mức 1,84%, mức thấp nhất trong nhiều năm qua, xuất siêu 2,1 tỷ USD. Ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, đánh giá: “Điểm sáng thứ nhất là kinh tế tăng trưởng, lạm phát giảm trong 4 năm liên tiếp. Đây là thành công kép. Hiệu quả đầu tư tiếp tục được cải thiện. Thành công thứ ba là tái cơ cấu kinh tế đạt được kết quả nhất định, trong đó phải kể đến tái cơ cấu ngân hàng, nợ xấu đã được kiểm soát.

Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với khó khăn, thách thức. Đó là chất lượng tăng trưởng kinh tế thực chất chưa cao, tình trạng nhập siêu đã quay trở lại sau 3 năm liên tục xuất siêu, làm ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ và ổn định tỷ giá. Bội chi ngân sách cao đẩy nợ công lên mức cần phải kiểm soát.

Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, có nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển bền vững. Theo các đại biểu Quốc hội giải pháp quan trọng nhất, mang tính lâu dài hiện nay là phải kiên quyết đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó phải thực hiện quyết liệt tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước thông qua đẩy mạnh cổ phấn hóa gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững  - ảnh 2
Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hoà Bình): "Kinh tế nước ta đã có sự phục hồi" Ảnh: dantri.com.vn

Trong tái cơ cấu nền kinh tế cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, coi đây là động lực phát triển nền kinh tế. Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, coi trọng chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Ông Nguyễn Cao Sơn, đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, đề xuất: “Đề nghị Chính phủ bố trí kế hoạch vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016 – 2020, hỗ trợ các doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, có cơ chế liên kết kinh tế vùng trong nông nghiệp. Chính phủ trình Quốc hội tiếp tục cho phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 nhằm tăng cường các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu, bên cạnh việc Việt Nam phải thu hút mạnh hơn nữa các nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ tiếp tục kiềm chế lạm phát ở mức như hiện nay ở mức khoảng 5%. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phân tích: “Chúng ta phải giữ ổn định lạm phát vĩ mô nhưng chúng ta vừa phải đảm bảo tăng trưởng cho nền kinh tế. Mấy năm nay, Chính phủ vẫn dự báo về chỉ số lạm phát tăng từ 5 - 7%. Chỉ số lạm phát như vậy là hợp lý, nếu thấp hơn nữa là tăng trưởng khó. Chúng ta nới lỏng chính sách tiền tệ và tín dụng để đảm bảo cho đầu tư và để cho doanh nghiệp có điều kiện tốt hơn trong vay vốn.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật phục vụ tăng trưởng

Để phát triển bền vững, Quốc hội xác định việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Thời gian tới, Quốc hội giao Chính phủ tập trung giải quyết những tồn tại trong các lĩnh vực này. Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: “Quan điểm lớn nhất bây giờ theo tôi là phải rà soát lại tất cả các chính sách, luật pháp. Làm sao phải tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng thực sự đối với các doanh nghiệp. Trong giai đoạn toàn cầu hóa thách thức lớn nhất với doanh nghiệp là phải cạnh tranh thì mới tồn tại, phát triển được.

Phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững là sự lựa chọn mang tầm chiến lược của Việt Nam hiện nay. Phát triển kinh tế phải kết hợp hài hòa với đảm bảo an sinh xã hội. Phát triển bền vững cũng là thước đo trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam trong hội nhập toàn cầu./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác