(VOV5) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng hôm nay dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ 2 tổ chức tại Hàn Quốc và tiếp đó thăm chính thức Hàn Quốc theo lời mời của Tống thống Hàn Quốc Lee Myung Bak. Đây là 2 hoạt động đối ngoại quan trọng của Việt Nam trong năm 2012, là dịp để Việt Nam tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán của mình trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và bảo đảm an ninh, an toàn hạt nhân, đồng thời cũng khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược với Hàn Quốc.
Kể từ Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ nhất diễn ra tại Mỹ năm 2010, vấn đề an ninh, an toàn hạt nhân đã và đang trở thành mối quan tâm chung của tất cả các quốc gia trên thế giới, kể cả những nước có hay chưa có hạt nhân. Bởi vậy, Hội nghị lần này quy tụ khoảng 50 nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ đến từ 50 nước trên thế giới đều hướng tới một mục tiêu chung, đó là trao đổi về những tiến bộ trong việc thực hiện những cam kết chính trị đã được nêu tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ nhất, đề ra những định hướng hoạt động cho cơ chế Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân.
Tham gia ngay từ Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ nhất, Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực thực hiện các cam kết chính trị, trong đó tiến hành nghiên cứu tham gia các điều ước, cơ chế quốc tế về an ninh, an toàn hạt nhân cũng như tích cực hợp tác với Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế ( IAEA) và các nước trong triển khai chương trình sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Việt Nam đã ký Hiệp định hợp tác hạt nhân song phương với một loạt quốc gia trên thế giới. Tiến sĩ Lê Văn Hồng, Phó viện trưởng Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết: “Muốn đánh giá chính xác thì phải có những nghiên cứu rất sâu, chi tiết và có những tính toán cụ thể thì mới có thể xác định được. Những tìm hiểu ban đầu rất quan trọng và trong những năm tới Bộ Khoa học Công nghệ đã có kế hoạch đầu tư cho những nhóm nghiên cứu thông qua những đề tài, dự án để đi sâu tìm hiểu, trên cơ sở đó mới có tính toán chính thức để triển khai năng lượng hạt nhân”.
Sự kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần thứ 2 tại Hàn Quốc lần này tiếp tục khẳng định với thế giới chính sách nhất quán của Việt Nam trong sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ: “Việt Nam luôn xác định bảo đảm an ninh an toàn hạt nhân là ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển, ứng dụng năng lượng hạt nhân, đồng thời ủng hộ quyền của các quốc gia được sử dụng năng lượng vì mục đích hòa bình, cũng như các nỗ lực giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân”.
Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt
Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ thăm chính thức Hàn Quốc. Đây là lần thứ 3 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Hàn Quốc và là sự kiện chính trị lớn đầu tiên trong năm hữu nghị Việt Nam-Hàn Quốc 2012, kỷ niệm 20 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Sự phát triển quan hệ chính trị đã tạo đà thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước. Liên tục trong nhiều năm qua, Hàn Quốc là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Hàn Quốc đứng đầu danh sách 92 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký lên tới trên 23 tỷ USD và đang là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Mặc dù trong bối cảnh các quốc gia đều cắt giảm nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam do khó khăn về tài chính và do Việt Nam đã nằm trong nhóm các quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người trung bình, nhưng Hàn Quốc vẫn tiếp tục ưu tiên dành nguồn vốn viện trợ cho Việt Nam, năm sau luôn cao hơn năm trước, tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng. Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Ha Chan Ho cho rằng: “Khi Hàn Quốc dự định tăng viện trợ ODA cho Việt Nam, chúng tôi không chỉ nhìn vào thu nhập của nước đó cao hay thấp, mà còn nhìn vào hiệu quả thực hiện viện trợ cũng như khả năng sử dụng các viện trợ này vào phát triển kinh tế hiệu quả như thế nào. Và chúng tôi nhận thấy rằng cần phải viện trợ ODA cho Việt Nam nhiều hơn nữa”.
Hàng loạt các dự án cơ sở hạ tầng tiêu biểu như Cầu Vàm Cống, đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, Bệnh viện đa khoa Quảng Nam… là biểu tượng của sự hợp tác có hiệu quả giữa Việt Nam-Hàn Quốc.. Hai bên cũng đang phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Hàn Quốc lên 20 tỷ USD vào năm 2015.
Chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần này thêm một lần nữa khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi trọng quan hệ hợp tác với Hàn Quốc. Chuyến thăm đánh dấu 20 năm hợp tác hiệu quả giữa hai đối tác chiến lược, là dịp để hai bên trao đổi nhiều biện pháp đưa quan hệ Việt-Hàn thêm gắn bó, tin cậy và bền vững./.