(VOV5) - Tất cả những con số này là minh chứng rõ nét rằng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam luôn được đảm bảo trên thực tế.
Ngày 12/5 tới, Việt Nam sẽ chính thức đón trên 1.600 đại biểu Phật giáo quốc tế, trong đó có cả lãnh đạo một số quốc gia, đến tham dự Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2019 (Vesak). Thực tế này cho thấy những luận điệu của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, trong báo cáo thường niên về tình hình tự do tôn giáo thế giới, trong đó có tình hình tôn giáo Việt Nam mới đây, chỉ là những đánh giá chủ quan, phiến diện, thiếu thiện chí với Việt Nam.
Việt Nam là một quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo. Trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước, các tín ngưỡng, tôn giáo luôn chung sống hoà hợp, gắn bó với dân tộc. 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, trong đó trên 24,3 triệu người là tín đồ của các tôn giáo khác nhau, chiếm 27% dân số; gần 53 ngàn chức sắc, 134 ngàn chức việc, 28 ngàn cơ sở thờ tự. Đời sống sinh hoạt tôn giáo phong phú với hơn 8000 lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo hàng năm. Tất cả những con số này là minh chứng rõ nét rằng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam luôn được đảm bảo trên thực tế.
Quan điểm rõ ràng về tín ngưỡng, tôn giáo
Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Điều này được ghi rõ trong Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và được bảo đảm, tôn trọng trên thực tế.
Trước hết, đó là việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt việc ban hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 (chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2018) và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo thời gian qua. Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo”. Trước đó, Hiến pháp 1992 cũng quy định: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”…
Ảnh minh họa (VOV) |
Những cơ sở pháp lý căn bản nêu trên đã cho thấy rõ rằng việc bảo đảm và tôn trọng tự do tôn giáo, đoàn kết dân tộc đã trở thành một nguyên tắc hàng đầu và nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam từ trước đến nay.
Việt Nam-điểm hẹn hòa bình của các tổ chức tôn giáo quốc tế
Trong thực tế, những ngày lễ trọng của các tôn giáo ở Việt Nam luôn diễn ra trọng thể theo đúng nghi thức tôn giáo, thu hút sự tham gia đông đảo của các tín đồ. Mới đây nhất, Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer hồi giữa tháng Tư dương lịch (tháng 3 âm lịch), với nhiều sinh hoạt tôn giáo phong phú. Nhiều nghi lễ truyền thống của như Lễ mừng năm mới, Lễ dâng cơm lên chùa, Lễ tắm tượng Phật, Lễ đắp núi cát, Lễ cầu siêu…, chủ yếu tổ chức tại các chùa Nam tông Khmer, nhận được sự quan tâm lớn của chính quyền địa phương cũng như lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam. Tương tự, vào các dịp lễ Noel của đồng bào công giáo, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đều có các hoạt động thăm hỏi, chúc mừng đồng bào công giáo. Đồng bào công giáo khắp nơi trên đất nước Việt Nam đều được trải nghiệm ngày lễ trọng trong niềm hân hoan, vui mừng và hạnh phúc.
Từ trước đến nay, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế, khiến cho đời sống tín ngưỡng tôn giáo của các tín đồ ngày càng đầy đủ. Những ngày này, Đại lễ Phật đản 2019 (Vesak 2019) do Việt Nam đăng cai tổ chức, đã thực sự đưa Việt Nam trở thành điểm hẹn của hoạt động sinh hoạt tôn giáo quốc tế. Đại biểu phật giáo từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ với 570 đoàn với khoảng 1650 đại biểu quốc tế, trong đó có Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, Tổng thống Myanmar, Thủ tướng Nepal, Chủ tịch thượng viện Ấn Độ… tham dự là minh chứng rõ nét nhất rằng Việt Nam là điểm đến hòa bình cho các sinh hoạt tôn giáo quốc tế. Trước đó, Việt Nam cũng 2 lần tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2008 và 2014. Năm 2017, Việt Nam cũng từng đăng cai tổ chức thành công sự kiện Lễ kỷ niệm 500 năm Cải chánh Tin Lành. Các sự kiện tôn giáo quốc tế diễn ra ở Việt Nam đều tạo dư luận tốt về sinh hoạt tôn giáo của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.
Những thực tế vừa kể trên rõ ràng là minh chứng cho đời sống sinh hoạt tôn giáo phong phú ở Việt Nam, đồng thời là sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế về những thành tựu của Việt Nam trong thực hiện chủ trương, chính sách về tự do tôn giáo. Chính vì vậy, luận điệu Việt Nam vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo chỉ là những đánh giá chủ quan, phiến diện, lỗi thời và không thể làm lu mờ bức tranh tự do tín ngưỡng tôn giáo sống động tại Việt Nam.