(VOV5) - Phát huy nhân tố con người trong phát triển kinh tế đất nước luôn là quan điểm cốt lõi, xuyên suốt trong đường lối lãnh đạo chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam.
"Việt Nam luôn đặt con người ở trung tâm của mọi hoạt động phát triển" - Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều này tại Phiên thảo luận cấp cao của khóa họp thường niên lần thứ 78 của Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (ESCAP) đang diễn ra trong các ngày từ 23-27/5/2022 tại Bangkok, Thái Lan. Trên thực tế, phát huy nhân tố con người trong phát triển kinh tế đất nước luôn là quan điểm cốt lõi, xuyên suốt trong đường lối lãnh đạo chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Phiên thảo luận cấp cao của khóa họp thường niên lần thứ 78 của Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (ESCAP) - Ảnh: PV/VOV-Thái Lan |
Nhấn mạnh quan điểm con người là động lực của sự phát triển, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định con người và nền văn hóa Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay. Do đó, Việt Nam chủ trương xây dựng và tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển, tài năng, phẩm chất của con người Việt Nam, coi đó là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước. Đi đôi với đường lối tiếp tục đổi mới phát triển kinh tế, Đảng cộng sản Việt Nam nhấn mạnh việc phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.
Phát huy nhân tố con người trong mọi hoạt động phát triển đất nước, Đảng cộng sản Việt Nam cũng chủ trương tăng trưởng kinh tế phải gắn chặt với công bằng xã hội, tăng trưởng kinh tế đến đâu thực hiện công bằng xã hội đến đấy vì con người, không chờ kinh tế phát triển cao mới thực hiện công bằng xã hội hay hy sinh công bằng xã hội để tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, cũng không thể thực hiện tốt được những hoạt động phúc lợi, giảm bớt sự phân hóa, giảm bớt bất bình đẳng trên một nền kinh tế nghèo nàn, tăng trưởng thấp. Tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội có quan hệ chặt chẽ với nhau, tăng trưởng kinh tế làm tiền đề vật chất bảo đảm thực hiện tốt các chính sách xã hội. Công bằng xã hội vừa là động lực, vừa là mục tiêu của tăng trưởng kinh tế. Thực hiện tốt các chính sách xã hội, chăm lo cho những đối tượng yếu thế chính là tạo được môi trường, động lực cho tăng trưởng kinh tế. Thực hiện công bằng xã hội trong điều kiện phát triển kinh tế nhiều thành phần nhằm tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của văn hoá, Ðảng cộng sản Việt Nam đã khẳng định: "Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội... Coi phát triển kinh tế là cơ sở và tiền đề để thực hiện các chính sách xã hội". Quan niệm này đòi hỏi các giá trị văn hóa tiên tiến phải được thâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội để tạo nên những giá trị bền vững: "đưa các nhân tố văn hóa, tinh thần nhân văn thấm sâu vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ cách ứng xử trong gia đình, trường học, xã hội đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao tiếp" vì con người.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh Việt Nam luôn đặt con người ở trung tâm của mọi hoạt động phát triển - Ảnh: PV/VOV-Thái Lan |
Đảng cộng sản Việt Nam cũng khẳng định Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc gắn tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội. Tăng trưởng kinh tế nhằm tạo ra của cải vật chất. Còn phân phối công bằng là việc phân chia các sản phẩm xã hội sao cho hợp lý. Nước ta xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, có nghĩa là kinh tế thị trường để phục vụ con người, vì con người. Vai trò của Nhà nước hết sức quan trọng thể hiện ở chỗ: Nhà nước tạo môi trường, tạo cơ hội bình đẳng trong sản xuất, kinh doanh; Nhà nước định hướng quá trình phát triển, phân bổ các nguồn lực; Nhà nước chế định thực hiện các chính sách xã hội, chính sách kinh tế; Nhà nước điều tiết phân phối thu nhập giữa các lĩnh vực kinh tế, bộ phận nhân dân, đồng thời phân phối lại thông qua phúc lợi xã hội; Nhà nước tạo cơ hội cho mọi cá nhân, tổ chức, phát huy sức mạnh của cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng trong việc tham gia hoạt động phúc lợi xã hội.
Tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội có chú ý đúng mức tới lợi ích người lao động, nhân dân. Tăng trưởng kinh tế phải phục vụ mục tiêu vì người lao động. Việc chú ý đến lợi ích người lao động là động lực to lớn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ðảng cộng sản Việt Nam chủ trương: "khuyến khích nhân dân làm giàu hợp pháp". Sự thống nhất giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội là ở chỗ Việt Nam xác định mục tiêu chung, vì con người, phát huy nhân tố con người: "tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, y tế, giáo dục…, giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người".
Như vậy, quan điểm của Ðảng cộng sản Việt Nam trong quan hệ tăng trưởng kinh tế với các vấn đề xã hội đều gắn với con người, xem con người là trung tâm. Ðiều này đã thể hiện rõ được bản chất tốt đẹp của chế độ chính trị mà Việt Nam đang xây dựng, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phấn đấu đến năm 2045, Việt Nam là một nước phát triển có thu nhập bình quân đầu người cao, con người ngày càng được hưởng hạnh phúc từ những thành quả kinh tế mang lại.