(VOV5) - Cộng đồng quốc tế cũng ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong cải cách, xây dựng các yếu tố tăng trưởng dài hạn.
Cải thiện căn bản, tạo chuyển biến mạnh mẽ các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế là một trong các giải pháp của Chính phủ để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Từ định hướng này, nhiều biện pháp đã được triển khai trong thời gian qua. Cộng đồng quốc tế cũng ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong cải cách, xây dựng các yếu tố tăng trưởng dài hạn. Tuy nhiên, vẫn còn đó những vấn đề còn tồn tại để đảm bảo sự phát triển là liên tục và bền vững.
Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của WEF Justin Wood. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ KH&ĐT).
|
Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đánh giá Việt Nam đã có tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực công nghệ và hiệu quả của thị trường lao động. Trong khi đó nhiều chuyên gia khác thì ghi nhận các bộ, ngành, địa phương đang tích cực thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Những phản hồi tích cực
Phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đánh giá cao vai trò của Chính phủ trong việc tạo ra những chuyển biến tích cực và rõ nét trong môi trường kinh doanh. EuroCham ghi nhận cách tiếp cận mang tính xây dựng, kiến tạo và cởi mở của Chính phủ khi đề cao vai trò thiết yếu của doanh nghiệp và xem doanh nghiệp là đối tác trong thúc đẩy thương mại, đầu tư và phát triển kinh tế quốc gia. Chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều cải cách, tạo cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thị trường. Các bộ liên quan như Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Công Thương tiếp tục cải thiện điều kiện thủ tục hành chính và xóa bỏ điều kiện kinh doanh theo Luật Đầu tư.
Ông Nicolas Audier, đồng chủ tịch Phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam, nhận thấy đang có những thay đổi và kết quả tích cực trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật tại Việt Nam. Ông nhận định: "Với môi trường đầu tư ưu đãi và sự cạnh tranh trong chi phí sản xuất cũng như triển vọng mạnh mẽ về kinh tế của Việt Nam, tầng lớp trung lưu phát triển, lao động ngày càng có trình độ và vị trí đắc địa ở Đông Nam Á, Việt Nam chính là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài".
Trong khi đó, phân tích về những điểm mạnh của Việt Nam, Giám đốc khu vực châu Á TBD của diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Justin Wood, cho rằng: "Nếu nhìn vào thực tiễn kinh doanh ở Việt Nam, chúng ta dễ nhận ra những bước tiến qua các chỉ số được đo lường hàng năm. Không chỉ WEF nghiên cứu các con số này, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng có nhiều báo cáo ghi nhận tiến bộ của Việt Nam thông qua khảo sát về môi trường đầu tư kinh doanh tại đây. Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ trong việc dỡ bỏ hàng rào thủ tục và quy định trong lĩnh vực thuế, hải quan, hoạt động xuất nhập khẩu, đăng ký kinh doanh. Còn nhiều vấn đề cần phải sửa đổi nhưng nhìn chung là đang có tiến bộ".
Còn đó những thách thức
Mặc dù năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam đang từng bước được cải thiện song để phát triển bền vững, Việt Nam cần khắc phục những vấn đề tồn tại cản trở Việt Nam vươn tới vị trí cao hơn trên chuỗi giá trị toàn cầu. Đó là năng lực sáng tạo của nền kinh tế Việt Nam khá thấp. Chỉ số đổi mới sáng tạo bao gồm các khoản đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D), số lượng các bằng sáng chế được cấp... chưa nhiều. Điều này cản trở Việt Nam tiến sâu hơn trong tiến trình hội nhập và toàn cầu hóa, đặc biệt trong bối cảnh Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đang tăng tốc.
Điểm cần chú ý nữa là về chất lượng lao động và cơ cấu của lực lượng lao động tại Việt Nam. Chỉ số này phản ảnh những khó khăn của doanh nghiệp khi muốn tìm được lao động phù hợp, và khả năng người lao động dịch chuyển công việc. Điều này kìm hãm khả năng thích ứng và tăng trưởng của nền kinh tế. Ông Tomaso Andreatta, đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) gợi ý: "Giải pháp cho vấn đề này là phải nâng cao kỹ năng kiến thức cho người lao động để có thể vận hành công nghệ tự động hóa trong công nghệ 4.0. Phải thúc đẩy nhân rộng các công ty dạy nghề độc lập. Các quốc gia thành công đều phải có hệ thống giáo dục tốt và Việt Nam phải tiếp tục cải cách giáo dục".
Những nỗ lực của chính phủ và các bộ, ngành trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thời gian qua là không thể phủ nhận. Tuy nhiên cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế là việc cần làm thường xuyên và lâu dài. Điều này sẽ góp phần giúp Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng, phát triển bền vững hơn.