(VOV5) - Là quốc gia đang phát triển, Việt Nam đã và đang hoàn thiện nhiều chính sách kinh tế, trong đó có chính sách thu hút đầu tư trực tiếp (FDI) nước ngoài, chính sách phát triển khu vực đầu tư trong nước…
Theo thống kê mới nhất, trong 4 tháng đầu năm 2014, Việt Nam thu hút được 4,855 tỷ USD vốn FDI đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 1,1 tỷ USD, chiếm hơn 23% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Nhật Bản đứng vị trí thứ 2 với hơn 530 triệu USD, chiếm gần 11% tổng vốn đầu tư; Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đạt 479 triệu USD, chiếm 9,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Trong khi đó, quý I năm 2014, cả nước có hơn 18.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký gần 99 nghìn tỷ đồng, tăng xấp xỉ 17% về số doanh nghiệp và tăng hơn 23% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013. Đây là quý thứ tư, Việt Nam có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng liên tiếp so với cùng kỳ năm trước.
Nỗ lực cải thiện môi trường thu hút đầu tư nước ngoài
Các chuyên gia kinh tế tỏ ra lạc quan về tình hình thu hút FDI và cho rằng Việt Nam đang có cơ hội lớn để thu hút FDI do có lợi thế cạnh tranh là sự ổn định chính trị, an ninh xã hội so với các nước khác trong khu vực ASEAN. Thêm nữa, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đánh giá cao tiềm năng thị trường 90 triệu dân và đến năm 2020 tăng lên 100 triệu dân của Việt Nam, trong đó có khoảng 15 triệu người có thu nhập hơn 10 nghìn USD/năm. Không chỉ nhìn vào sự ổn định chính trị, tiềm năng thị trường, các nhà đầu tư nước ngoài còn nhìn thấy sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư. Theo họ, mặc dù chưa thỏa mãn được tất cả các yêu cầu của nhà đầu tư, nhưng Chính phủ Việt Nam luôn tìm mọi cách để làm thế nào có được môi trường đầu tư thuận lợi như cải cách hành chính, sửa đổi một loạt luật liên quan đến đầu tư. Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nêu quan điểm:Tôi nghĩ rằng môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam còn chưa thật sự hoàn thiện, bởi vì Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, cho nên hệ thống luật pháp cũng từng bước đang được hoàn thiện dần, nó khác với các nước đã phát triển nhiều năm. Nhưng ở đây phải nói rằng Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của mình một cách rất tích cực và được các nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận. Điều này được chứng minh bằng số lượng vốn cũng như số lượng dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng và tăng rất mạnh.
Những thay đổi mấu chốt để phát triển khu vực kinh tế trong nước
Bên cạnh những nỗ lực cải thiện môi trường thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam nhận thức rằng cần quan tâm đúng mức và đầy đủ đến khối doanh nghiệp trong nước nhằm khơi dậy động lực để phát triển đất nước. Theo đó, các doanh nghiệp nhà nước đã và đang được tái cấu trúc theo hướng thu hẹp lại các lĩnh vực hoạt động, đồng thời cổ phần hóa mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước. Đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nêu rõ: Chúng ta phải quan tâm nhiều hơn, đầy đủ hơn đến khối doanh nghiệp dân doanh hay còn gọi là doanh nghiệp tư nhân, bởi đây là một lực lượng lớn nhất, đông đảo nhất, và tôi có thể nói rằng là quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam. Trong soạn thảo về định hướng phát triển kinh tế trong thời gian tới, chúng tôi đưa ra một trong những mục tiêu là phải tập trung mọi nguồn lực, có những chính sách đủ mạnh để thúc đẩy khai thác tất cả các lợi thể về doanh nghiệp tư nhân của chúng ta ở trong nước, và có thể nói rằng doanh nghiệp tư nhân sẽ là động lực quan trọng bậc nhất đóng góp vào tăng trưởng của chúng ta.
Để tăng cường thu hút đầu tư, Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư đang được Việt Nam sửa đổi sẽ có những thay đổi về việc mua bán, sát nhập doanh nghiệp để đáp ứng việc đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và tái cấu trúc nền kinh tế của Việt Nam. Hai bộ Luật này đều chú trọng đề cao vai trò của doanh nghiệp đóng góp cho nền kinh tế theo hướng tất cả những ngành nghề nào mà luật pháp không cấm thì người dân và doanh nghiệp đều có thể tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh. Rất nhiều giấy cấp phép rồi sẽ được xóa bỏ, tạo điều kiện thông thoáng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo rằng các thành phần kinh tế đều bình đẳng, tạo động lực để đất nước phát triển trong thời gian tới./.