Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đáp ứng thời kỳ hội nhập

(VOV5) - Việt Nam được coi là quốc gia có lợi thế về nguồn nhân lực dồi dào với gần 90 triệu dân, là nước đông dân thứ ba trong khu vực ASEAN và thứ 13 trên thế giới. Việt Nam đang trong thời kỳ “dân số vàng” khi có  66%-67% dân số trong độ tuổi lao động (khoảng 60 triệu người. Đồng thời, nguồn nhân lực của Việt Nam rất cần cù, thông minh và có khả năng tiếp thu nhanh những thành tựu khoa học - công nghệ mới, hiện đại… 

Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đáp ứng thời kỳ hội nhập - ảnh 1
Ảnh minh họa (nguồn: internet)


Nghị quyết Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam xác định nguồn nhân lực là yếu tố cấu thành quan trọng nhất của lực lượng sản xuất xã hội, quyết định tiềm lực kinh tế, an ninh quốc phòng của một quốc gia. Trong các nguồn lực, nguồn nhân lực được coi là nguồn lực chính chi phối quá trình phát triển kinh tế - xã hội.


Giáo dục đào tạo theo nhu cầu xã hội


Lực lượng lao động Việt Nam hiện nay được các chuyên gia quốc tế và khu vực đánh giá là rất năng động, học hỏi nhanh, có khả năng bắt kịp trình độ thế giới ở một số lĩnh vực nghề nghiệp. Đây là điều kiện thuận lợi và cũng là ưu điểm mà đội ngũ nhân lực Việt Nam thời kỳ mới sẽ tiếp tục duy trì và phát huy để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã và đang tích cực đầu tư nguồn nhân lực có chất lượng, có trình độ chuyên môn cao, nhất là có khả năng thích ứng nhanh với những thay đổi nhanh chóng của khoa học, công nghệ và coi đây là yếu tố then chốt bảo đảm cho nền kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, bền vững. Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam xác định việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực Đại học theo nhu cầu xã hội là chiến lược phát triển lớn của toàn ngành, qua đó đóng góp vào thành công chung của phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước. Trong Chương trình hành động giai đoạn 2011 – 2016, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã và đang thực hiện mục tiêu đến năm 2015, tất cả các trường đại học đào tạo theo tín chỉ. Ngoài ra, Bộ Giáo dục – Đào tạo còn đưa ra mục tiêu thực hiện phân tầng Đại học, đến năm 2015 hình thành nhóm các trường Đại học định hướng nghiên cứu, Đại học định hướng nghề nghiệp ứng dụng, các trường Cao đẳng cộng đồng. Từ đó, việc đào tạo trong trường đại học sẽ chuyên sâu hơn nhằm đáp ứng được nhu cầu của các cơ quan tuyển dụng. 


Về vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: "Đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội. là quan trọng và cần thiết để đáp ứng nhu cầu hội nhập Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Lao động ký được hai thỏa thuận rất quan trọng. Đó là thỏa thuận với hội doanh nghiệp của nước Đức và các cơ quan hỗ trợ của Chính phủ Đức, thỏa thuận với hội doanh nghiệp Nhật Bản và các cơ quan có liên quan để thực hiện đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp Đức và Nhật Bản đang đầu tư ở Việt Nam theo chuẩn yêu cầu của họ. Từ đó, chúng ta góp phần nâng cao và quốc tế hóa việc đào tạo của mình. Ngoài ra, chúng ta cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đào tạo theo nhu cầu thì nghiên cứu khoa học cũng phải theo nhu cầu phát triển đất nước".


Chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn


Trong thời gian qua nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, vì vậy Việt Nam luôn cần một lượng cung lớn nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó chiến lược đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Chính phủ phê duyệt được xem là "chìa khóa" thành công cho nhiều chương trình, mục tiêu quốc gia. Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 của Chính phủ đã thực hiện được gần bốn năm, với mục tiêu bình quân mỗi năm đào tạo hơn một triệu lao động nông thôn, giải quyết cơ bản nhiều vấn đề trong phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương đang trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tính riêng trong năm 2013, cả nước đào tạo nghề cho hơn 1,7 triệu lao động. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo có nơi đạt tới hơn 90%. Cùng với đó, từ các chính sách vĩ mô như xây dựng nông nghiệp, nông thôn gắn liền với việc làm, thu nhập và đời sống của người nông dân, đã tạo hiệu quả thiết thực khi lực lượng lao động nông thôn yên tâm với nghề nghiệp, với nguồn thu nhập đủ bảo đảm cuộc sống. Ông Cao Văn Sâm, Phó Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề- Bộ lao động Thương binh và Xã hội khẳng định: "Đề án đào tạo nghệ cho lao động thôn là giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới. Chúng ta điền chỉnh các tiêu chuẩn kỹ năng cơ bản trong đào tạo nghề nông thôn. Trong đó, việc sử dụng công nghệ sản xuất có quá trình đào tạo thích ứng để người lao động nông thôn làm chủ được công nghệ. Cùng với đó, chúng ta tiếp tục đào tạo đáp ứng được với mọi giai tầng trong trình độ trong thị trường. Các trường đào tạo nghề phải xác định khi đào tạo xong, nguồn nhân lực này phải có kiến thức, kỹ năng, đáp ứng nhu cầu xã hội".


Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam là một bước đột phá trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng chính là yếu tố quyết định bảo đảm đưa nền kinh tế của đất nước phát triển nhanh và bền vững./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác