Việt Nam nỗ lực chống đợt hạn hán khốc liệt

(VOV5) -  Hiện nay tình hình hạn hán, xâm nhập mặn rất nghiêm trọng. Tại khu vực Nam Trung Bộ, năm 2016 dự kiến có 40.000 ha lúa phải dừng sản xuất và 50.000 dân sẽ thiếu nước sinh hoạt.


Việt Nam đang phải đối mặt với đợt hạn hán, xâm nhập mặn hết sức nghiêm trọng hàng chục năm trở lại đây. Hiện tượng El Nino với cường độ mạnh không chỉ khiến nền nhiệt độ tăng cao, thiếu hụt lượng mưa, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh mà còn bao phủ một phạm vi rộng lớn, từ Nam Trung bộ, Tây Nguyên, đến Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Hiện, Chính phủ và các địa phương đang nỗ lực để hạn chế thấp nhất thiệt hại do hiện tượng thời tiết cực đoan này gây ra, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

Việt Nam nỗ lực chống đợt hạn hán khốc liệt - ảnh 1
Nhiều ruộng lúa đang kỳ trổ đòng ở cánh đồng xã Võ Xu, tỉnh Bình Thuận không đủ nước tưới


Hiện nay tình hình hạn hán, xâm nhập mặn rất nghiêm trọng. Tại khu vực Nam Trung Bộ, năm 2016 dự kiến có 40.000 ha lúa phải dừng sản xuất và 50.000 dân sẽ thiếu nước sinh hoạt. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long xâm nhập mặn đã xuất hiện ở mức độ cao hơn trung bình hằng năm và vào sâu trong đất liền 90 km (sâu hơn mọi năm 10-20 km). Dự báo trong thời gian tới còn nghiêm trọng hơn khi đỉnh điểm của hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra vào tháng 5, tháng 6 tới. Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị… sắp tới cũng có thể hạn hán bởi El Nino. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho biết: “Các vùng bị xâm nhập mặn chiếm hơn một nửa diện tích của Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó gồm hầu hết phía nam của tỉnh Kiên Giang, toàn bộ tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre và ¾ tỉnh Hậu Giang....Tính ra chỉ còn có Đồng Tháp là không bị ảnh hưởng của mặn. Điều lo ngại là bây giờ chưa phải là đỉnh điểm. Đỉnh điểm sẽ là cuối tháng 3,  tháng 4 và sẽ kéo dài đến tận tháng 6 ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hạn hán ở Nam Trung bộ bây giờ cũng chưa phải đỉnh điểm, đỉnh điểm sẽ là tháng 4, tháng 5. Tây Nguyên chỉ hy vọng có mưa vào tháng 6. Ở Ninh Thuận,Bình Thuận thì phải đợi đến tháng 9”.

Chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương
Trước ảnh hưởng mạnh bởi El Nino, Chính phủ xác định việc chống hạn năm 2016 phải gắn với tầm nhìn dài hạn. Ngày 4/2/2016, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị về các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn. Ngay sau Tết Nguyên đán, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Mới đây,tại phiên họp thường kỳ tháng 02/2016, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan và địa phương theo dõi sát diễn biến thời tiết, kịp thời hỗ trợ nhân dân vùng bị hạn và xâm nhập mặn. Về lâu dài, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định cho biết:Sẽ điều chỉnh cơ cấu cây trồng một cách mạnh mẽ với tầm nhìn dài hạn không chỉ trong năm nay mà còn kéo dài trong nhiều năm, theo hướng chuyển dịch mùa vụ. Rồi phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện nguồn nước và hiệu quả. Theo tính toán, 1 ha lúa nước mất 10.000 m3 nước nhưng một ha cây trồng khác, kể cả cây lâu năm, mất 2.000-3.000 m3 nước mà hiệu quả kinh tế vẫn tốt hoặc chuyển sang chăn nuôi sẽ sử dụng ít nước hơn. Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị Thủ tướng mở rộng việc đắp đập, đào ao, chuẩn bị nước sinh hoạt cho dân giai đoạn 2016-2020 với số tiền  55.000 tỉ đồng”.

Địa phương chủ động ứng phó
Trước những tác hại nghiêm trọng của tình hình xâm nhập mặn đang ngày càng gay gắt, tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo đóng các đập ngăn mặn sớm hơn cùng kỳ 1 tháng để tập trung ngăn mặn, trữ ngọt. Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết tỉnh cũng tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống hạn mặn cho người dân đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cho dân trong trồng lúa, nuôi tôm phù hợp với điều kiện thời tiết. Về lâu dài, lãnh đạo tỉnh Cà Mau cho biết: “Đối với đầu tư hạ tầng cho sản xuất, đặc biệt là vùng sản xuất lúa, tôm thì đã có các dự án thủy lợi. Nếu đầu tư thủy lợi cho khu vực nào thì đảm bảo cho cả khu vực, làm đồng bộ, kịp thời, để phát huy hiệu quả”.

Ông Nguyễn Phong Quang, Phó ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho rằng việc phòng chống hạn, mặn cho vùng này hiện là vấn đề sống còn: “Làm đê bao khép kín để giữ nước ngọt, ngăn mặn tại những vùng sản suất trọng điểm như tứ giác Long Xuyên bao gồm An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ... Phải bao lại để giải quyết cho sản xuất. Trước mắt cần khép kín từng khu vực cụ thể. Về lâu dài, đề nghị Chính phủ làm việc với một số nước xung quanh tiểu vùng sông Me kong về vấn đề mặn, ngăn đập. Đây là vấn đề tầm cỡ quốc gia”.

Đỉnh điểm của hạn hán và xâm nhập mặn sẽ diễn ra trong những tháng tới. Việc Chính phủ và các địa phương quyết liệt ứng phó với sự khắc nghiệt của thời tiết đồng thời chủ động thích nghi trong dài hạn sẽ giúp Việt Nam hạn chế thấp nhất những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác