(VOV5) - Đây là lần thứ 2 Việt Nam được tín nhiệm bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021.
Việc Việt Nam trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là một vinh dự lớn lao, khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam, song cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề, đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực hết mình để hoàn thành trọng trách mà cộng đồng quốc tế giao phó. Bên cạnh tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, Việt Nam cũng nỗ lực đặt ra các nhiệm vụ cụ thể để đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc một cách tốt nhất, đáp ứng sự tin tưởng mà cộng đồng quốc tế đã trao.
Đây là lần thứ 2 Việt Nam được tín nhiệm bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021. Việc Việt Nam lần thứ hai trong vòng hơn 10 năm được bầu làm thành viên cơ quan có vai trò hàng đầu của Liên hợp quốc trong việc duy trì hoà bình, an ninh quốc tế không chỉ là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với vị thế của Việt Nam đổi mới, hội nhập, mà còn là sự tin tưởng, kỳ vọng vào những đóng góp trách nhiệm của Việt Nam đối với hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế trong những năm tới.
Sẵn sàng tham gia thúc đẩy giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh quốc tế
Trong lần đầu tiên tham gia vào công việc của Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã nỗ lực rất cao và được các thành viên Liên hợp quốc hợp tác, ủng hộ và đã đảm nhiệm thành công nhiệm vụ của mình, góp phần đề cao tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, giảm căng thẳng và thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh tại nhiều khu vực trên thế giới, đồng thời có những sáng kiến cụ thể, thực chất về nội dung cũng như giúp cải tiến phương thức hoạt động của Hội đồng Bảo an.
Đại diện các nước tại Liên hợp quốc chúc mừng Việt Nam trúng cử làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Ảnh: hanoimoi.com.vn |
Sau nhiều năm đổi mới, Việt Nam chủ động đóng góp tích cực hơn vào đời sống chính trị khu vực và thế giới. Thế giới hiện đang thay đổi nhanh chóng, cuộc cách mạng khoa học công nghệ và cách mạng Công nghiệp 4.0 đang lan toả trên toàn cầu, đưa đến nhiều thách thức mới, đặt ra những khó khăn trong hợp tác đa phương. Những đan xen về lợi ích, cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc chi phối mọi hoạt động của đời sống chính trị toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Liên hợp quốc, trực tiếp là Hội đồng Bảo an, với chức năng ngăn ngừa chiến tranh, xung đột, kiến tạo và gìn giữ hòa bình, tiếp tục là trung tâm hợp tác, huy động được tất cả các quốc gia, nhất là các quốc gia vừa và nhỏ, tham gia, đóng góp nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của mình trong việc tìm kiếm giải pháp lâu dài, bền vững cho các thách thức toàn cầu hiện nay.
Từng trải qua những năm dài chiến tranh và hy sinh tất cả cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập, thống nhất đất nước, tạo dựng môi trường hòa bình cho phát triển, người dân Việt Nam hiểu rõ hơn ai hết giá trị của hòa bình. Việt Nam có kinh nghiệm, có khả năng và đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc tham gia thúc đẩy giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh quốc tế trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ phải đưa ra lập trường và quan điểm cụ thể trên các vấn đề cụ thể tại Hội đồng bảo an. Khi đưa ra những quan điểm cụ thể đó chúng ta phải đánh giá trên bối cảnh chung, lợi ích của từng nước liên quan đến vấn đề đó như thế nào. Bởi vì khoảng 70-80% các vấn đề ở Hội đồng bảo an là các vấn đề khu vực, liên quan trực tiếp đến lợi ích của các quốc gia ở khu vực, đồng thời dựa trên quan điểm của chúng ta, dựa trên quan tâm của cộng đồng quốc tế. Khi ứng cử chúng ta đã cam kết cân nhắc lợi ích của họ trước khi quyết định".
Trọng trách nặng nề
Vinh dự và tự hào khi Việt Nam chúng ta được cộng đồng quốc tế tín nhiệm với mức rất cao để trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Tuy nhiên, ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, Việt Nam đồng thời sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN năm 2020. Đây là trọng trách rất lớn, là “trách nhiệm kép”, đòi hỏi Việt Nam phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt. Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc khẳng định: "Phải chuẩn bị cả về con người, bộ máy và cơ chế. Về con người, chúng ta đã chuẩn bị từ nhiều năm và đã đào tạo rồi, nhưng bây giờ bước vào những công việc cụ thể thì cũng cần phải đào tạo tiếp để đảm bảo nhanh và kịp thời. Bộ máy và cơ chế phải làm sao quyết định nhanh, đúng thời điểm, bởi vì các công việc của Hội đồng Bảo an đòi hỏi phải quyết định rất nhanh. Trước mỗi cuộc bỏ phiếu, chúng ta chỉ có khoảng dưới 12 tiếng để đưa ra quyết định. Do vậy, nếu không có cơ chế phân quyền, phân cấp và có trách nhiệm rõ ràng, giữa trong và ngoài, và các cấp thì khó có thể thực hiện được. Vấn đề thứ ba là nghiên cứu để đề ra các ý tưởng, bởi vì tình hình thế giới hiện nay rất nhiều thứ thay đổi. Những vấn đề quan tâm của chúng ta và của bạn bè, các nước trên thế giới cũng thay đổi. Do vậy, phải làm thế nào để đề xuất cho đúng, cho trúng những vấn đề mà thế giới quan tâm và đúng là vấn đề người ta đang cần thiết mà Hội đồng Bảo an phải có trách nhiệm giải quyết".
Với thế và lực mới của đất nước, với đường lối đối ngoại rộng mở, sáng tạo và linh hoạt, với kinh nghiệm trong nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã sẵn sàng đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 bắt đầu từ ngày 1/1/2020. Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức mình để đóng góp tích cực cho nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì một thế giới hoà bình, phát triển bền vững.