Việt Nam tăng cường vị thế, nỗ lực đóng góp vào các vấn đề chung toàn cầu

(VOV5) -  Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định lập trường của Việt Nam về hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói riêng và cả thế giới nói chung.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa kết thúc chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và thăm Nhật Bản từ ngày 26-28/5, theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Những kết quả nổi bật của chuyến thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị G7 tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn nỗ lực củng cố, phát triển quan hệ với tất cả các nước trên thế giới, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.



Việt Nam tăng cường vị thế, nỗ lực đóng góp vào các vấn đề chung toàn cầu - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc


Đây là lần đầu tiên trên cương vị mới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và thăm chính thức Nhật Bản. Đây cũng là lần đầu tiên sau 42 năm, Việt Nam được mời tham dự Hội nghị G7 mở rộng. Điều này thể hiện sự coi trọng của các thành viên G7, đặc biệt là Nhật Bản, đối với Việt Nam, mong muốn Việt Nam thể hiện vai trò lớn hơn trong các vấn đề khu vực và thế giới.

Khẳng định lập trường về hòa bình, ổn định và phát triển bền vững

Thể hiện trách nhiệm của VN với những vấn đề đặt ra của khu vực và thế giới, trong phần phát biểu tại các phiên họp của Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định lập trường của Việt Nam về hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói riêng và cả thế giới nói chung. Thủ tướng nêu rõ những thách thức ngày càng lớn đối với hòa bình và an ninh của khu vực, trước hết là an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng các quốc gia liên quan cần kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tuân thủ Tuyên  bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC). Quan điểm này của Việt Nam được nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế ủng hộ. Tại Hội nghị G7, các nước đã ra tuyên bố chung trong đó khẳng định các hoạt động đơn phương, tôn tạo, bồi đắp đảo trên Biển Đông đã gây mất ổn định, căng thẳng, đe dọa hòa bình. Các nước cũng kêu gọi các bên kiềm chế, sử dụng các biện pháp hòa bình, giải quyết các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Cùng với đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các nước G7 hỗ trợ các nước đang phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, tăng cường kết nối ứng phó với biến đổi khí hậu. Về điều này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá: “Tại Hội nghị, Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm và mong cộng đồng quốc tế hỗ trợ Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao và bền vững. Thứ hai, Việt Nam là nước chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, nổi bật là hạn hán và mặn xâm nhập, được cộng đồng quốc tế rất quan tâm. Những nước như nước chủ nhà Nhật Bản hay G7 và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á, đều quan tâm hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, giúp Việt Nam triển khai trong trung và dài hạn ứng phó với hạn hán và mặn xâm nhập”. 

Thắt chặt các quan hệ song phương

Trong 3 ngày tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến, tiếp xúc, gặp gỡ với các nguyên thủ hàng đầu thế giới, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, người đứng đầu các tổ chức quốc tế lớn. Tại các cuộc gặp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ Việt Nam quyết tâm đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế đi vào chiều sâu, thực chất, đặc biệt là hợp tác kinh tế, mong muốn các nước và các đối tác ủng hộ Việt Nam tăng cường vai trò và trách nhiệm tại các tổ chức quốc tế, tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương quan trọng ở khu vực và trên thế giới, trong đó có việc ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và ứng cử vào vị trí Tổng Giám đốc UNESCO nhiệm kỳ 2017-2021.

Đặc biệt, chuyến thăm chính thức Nhật Bản, dù chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, nhưng đạt những kết quả hết sức tích cực, góp phần thắt chặt quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản. Trong chuyến thăm này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe quyết định hợp tác và viện trợ không hoàn lại 2,5 triệu USD, giúp VN ứng phó thiệt hại do hạn hán và mặn xâm nhập. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận: “Tôi đánh giá cao việc Ngài Thủ tướng Shinzo Abe tiếp tục cung cấp nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong triển khai kế hoạch tín dụng 110 tỷ USD nhằm Phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao tại Châu Á theo tinh thần Hội nghị G7, triển khai Sáng kiến kết nối Mekong - Nhật Bản. Chúng tôi cũng khẳng định quyết tâm triển khai hiệu quả các dự án quy mô lớn, Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam; nhất trí tăng cường hợp tác về đầu tư, thương mại, tiếp nhận thực tập sinh kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực, y tế, khắc phục hậu quả chiến tranh và hợp tác giữa địa phương hai nước”. 

Trong chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chuyển thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam tới các doanh nghiệp Nhật Bản. Đó là Việt Nam tiếp tục tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi và bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài với tinh thần “hai bên cùng thắng”.

Chuyến thăm Nhật Bản và dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản, đóng góp tích cực, chủ động, có trách nhiệm vào việc giải quyết các vấn đề chung toàn cầu.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác