(VOV5) - Việt Nam xác định hợp tác trong Ủy hội sông Mekong quốc tế là một cơ chế hợp tác vùng có cơ sở pháp lý chặt chẽ nhất.
Ngày 5/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng các nước thành viên Ủy hội sông Mekong quốc tế, gồm: Campuchia, Lào và Thái Lan tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4, tổ chức tại thủ đô Vientiane, Lào. Là thành viên tích cực của Ủy hội và có lợi ích trực tiếp từ dòng Mekong, Việt Nam tiếp tục đóng góp thực chất, thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong 1995 và qua đó, kêu gọi sự hỗ trợ, ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với khu vực.
Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone chào đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ tư là sự kiện chính trị cấp cao của các nước trong tiểu vùng Mekong, qua đó khẳng định vai trò quan trọng của Ủy hội, tăng cường quan hệ giữa các nước thành viên và thu hút sự quan tâm, ủng hộ của các tổ chức quốc tế và khu vực, các đối tác đối thoại, các đối tác phát triển và cộng đồng các nhà tài trợ.
Ủy hội sông Mekong quốc tế - diễn đàn về ngoại giao nước và hợp tác vùng
Ủy hội sông Mekong quốc tế được thành lập theo Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong, ký ngày 5/4/1995 giữa Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Theo Hiệp định, mục tiêu chính của Ủy hội là thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia thành viên trong sử dụng, phát triển và bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan một cách bền vững trên lưu vực sông Mekong.
Trong các khuôn khổ hợp tác hiện nay về lưu vực sông Mekong, Ủy hội là tổ chức duy nhất có chức năng xây dựng các khuôn khổ pháp lý, trong đó có những quy chế ràng buộc đối với các quốc gia thành viên về chia sẻ công bằng, hợp lý tài nguyên nước và cùng nhau bảo vệ môi trường sinh thái lưu vực sông bên cạnh chức năng thúc đẩy các dự án phát triển chung.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Phiên họp hẹp Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trong gần 30 năm qua, được sự hỗ trợ và đóng góp tài chính tích cực của các quốc gia thành viên, các quốc gia tài trợ và tổ chức quốc tế, Ủy hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển ở các quốc gia thành viên, tăng cường hợp tác lưu vực trong nhiều lĩnh vực, như: xây dựng các quy chế sử dụng nước, quản lý môi trường, liên kết giao thông đường thủy, sản xuất nông nghiệp, thủy sản và mở rộng hợp tác với hai nước thượng lưu là Trung Quốc, Myanmar (hiện là Đối tác đối thoại của Ủy hội), các đối tác phát triển/cộng đồng tài trợ và nhiều đối tác quốc tế khác.
Chính vì vậy, hoạt động của Ủy hội không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường của các quốc gia thành viên, mà còn giúp tăng cường quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trong lưu vực.
Đóng góp của Việt Nam vào các thành tựu của Ủy hội
Với vị trí là quốc gia ở hạ nguồn sông Mekong và phải chịu các tác động ngày càng nghiêm trọng do các hoạt động phát triển ở thượng nguồn trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Việt Nam xác định hợp tác trong Ủy hội sông Mekong quốc tế là một cơ chế hợp tác vùng có cơ sở pháp lý chặt chẽ nhất, có cơ cấu thể chế truyền thống lâu dài và ổn định, và quan trọng hơn cả là cơ chế hợp tác về tài nguyên nước lưu vực sông Mekong đầy đủ duy nhất trong khu vực.
Ủy hội sông Mekong quốc tế cũng được coi là diễn đàn khu vực quan trọng nhất giúp Việt Nam bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên có liên quan đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và an ninh nguồn nước quốc gia nói chung. Vì vậy, Việt Nam luôn xác định tích cực, gương mẫu đi đầu trong cơ chế hợp tác này, kêu gọi các quốc gia thành viên khác góp phần thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong 1995 và tuân thủ các quy định của Ủy hội sông Mekong quốc tế.
Cho tới nay, Việt Nam đã thể hiện cam kết chính trị và vai trò của một quốc gia thành viên rất tích cực, tham gia các hoạt động của Ủy hội sông Mekong quốc tế trên tất cả các cấp và diễn đàn, từ cấp cao tới cấp Bộ trưởng, Ủy ban Liên hợp, Nhóm công tác…, trên tất cả các lĩnh vực hợp tác thông qua các sáng kiến, vận động, thúc đẩy và các đóng góp vượt bậc về tài chính, thông tin số liệu, chuyên gia…
Việt Nam cũng là quốc gia thành viên đi đầu trong nỗ lực nâng cao hình ảnh, vị thế và tầm quan trọng của hợp tác trong Ủy hội sông Mekong quốc tế trên các diễn đàn quốc tế và đa phương; luôn đề cao tinh thần đoàn kết hợp tác giữa các quốc gia sông Mekong, đóng góp vào ổn định và hợp tác khu vực; quan tâm đến lợi ích chính đáng của tất cả các quốc gia thuộc Ủy hội sông Mekong; thúc đẩy hợp tác với các quốc gia thượng nguồn là Trung Quốc và Myanmar.
Việt Nam dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ tư trong bối cảnh Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính thảo luận với các lãnh đạo Ủy hội về các khó khăn, thách thức cũng như các cơ hội đối với sự phát triển của khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, lưu vực Mekong nói chung, cùng định hướng ưu tiên cho sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong.