(VOV5) - MRC là cơ chế hợp tác với sự tham gia của 4 quốc gia thành viên (gồm Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan) và 2 quốc gia thượng lưu sông Mekong.
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước CHDCND Lào Sonexay Siphandone, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) lần thứ 4 tại Vientiane, vào ngày mai (5/4).
Trả lời phỏng vấn Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng cho rằng: Việt Nam đã tham gia tích cực vào diễn đàn MRC ngay từ quá trình thành lập và có nhiều đóng góp về nội dung, lĩnh vực hợp tác. Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao MRC lần thứ 4 tiếp tục thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với cơ chế này; khẳng định vai trò và trách nhiệm của Việt Nam, tăng cường thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong năm 1995; thúc đẩy các nội dung phù hợp với lợi ích của Việt Nam và có ý nghĩa đối với sự phát triển chung, bền vững của lưu vực.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng |
Để góp phần thúc đẩy hợp tác Mekong nói chung và diễn đàn MRC nói riêng đi vào thực chất, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ về chính trị và tham gia một cách chủ động tích cực và có hiệu quả tại MRC, với những đóng góp nổi bật, như: xây dựng các văn kiện quan trọng của MRC, đặc biệt là Hiệp định Mekong năm 1995, Bộ quy chế sử dụng nước cũng như đóng góp vào quá trình cải tổ MRC và Ban Thư ký MRC. Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao MRC lần thứ 2 với chủ đề “An ninh nước, năng lượng, lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu của Lưu vực sông Mekong” (tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 4/2014).
MRC là cơ chế hợp tác với sự tham gia của 4 quốc gia thành viên (gồm Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan) và 2 quốc gia thượng lưu sông Mekong là đối tác đối thoại (Trung Quốc, Myanmar). MRC được thành lập năm 1995, nhằm thúc đẩy hợp tác toàn diện để xây dựng cộng đồng trách nhiệm và lợi ích chung ở tiểu vùng.