(VOV5) - Hội nghị lần thứ 18 Công ước Khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 18) đang diễn ra tại thủ đô Doha của Qatar nhằm thảo luận khung pháp lý mới để giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, trong đó có mục tiêu gia hạn Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu sẽ hết hiệu lực trong năm nay. Là nước tham gia Nghị định thư Kyoto, Việt Nam đã và đang hướng tới các dự án phát triển sạch, thu hút các nhà đầu tư trong phát triển cơ chế sạch vào các ngành có lượng khí thải nhà kính cao.
Việt Nam là nước có tiềm năng phát triển nguồn năng lượng tái tạo, có khả năng thay thế nguồn năng lượng hóa thạch, giảm thiểu tác động tới môi trường. Điều này được thể hiện rõ qua Báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) khi cho biết Việt nam là 1 trong số 14 nước đứng đầu về tiềm năng thủy điện. Hiện nay, Việt Nam có trên 120.000 trạm thủy điện, với tổng công suất ước tính khoảng 300MW. Ngoài ra, Việt Nam có tiềm năng về năng lượng gió khá lớn, với tổng tiềm năng ước đạt gần 514.000 MW. Việt nam cũng có lợi thế lớn về năng lượng mặt trời khi là một trong những nước nằm trong dải phân bố ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong năm trên bản đồ bức xạ thế giới. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào cho việc thực hiện cơ chế phát triển sạch (CDM), một phương thức mềm dẻo tạo thuận lợi cho việc thực thi Nghị định thư Kyoto. Bà Đặng Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC), đánh giá: “Lĩnh vực năng lượng tái tạo là lĩnh vực tiềm năng nhất của Việt nam. Chúng ta không chỉ nói đến thủy điện,chúng ta có một lĩnh vực tiềm năng nữa là điện gió. Hiện bên VNEEC đang phát triển dự án điện gió lớn nhất Việt nam ở Bạc Liêu, Ngoài thủy điện chúng ta còn có địa nhiệt, cũng tiềm năng nhưng giá thành cao, tuy nhiên trong tương lai chúng ta cũng có thể phát triển được.”
|
Một trong các biện pháp tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính đối với lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất, lâm nghiệp là đẩy mạnh phục hồi rừng, tái sinh rừng tự nhiên.
(Ảnh: chinhphu.vn) |
Cùng với việc tận dụng nguồn năng lượng thiên nhiên, nhiều dự án của Việt nam áp dụng quy trình phát triển sạch đã và đang được triển khai. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau hơn 10 năm thực hiện cơ chế phát triển sạch, Việt nam giảm được khoảng 30 triệu tấn CO2 , là 1 trong 10 nước tích cực giảm khí CO2 trên thế giới. Ngoài ra, Việt Nam hiện có hơn 300 dự án thực hiện cơ chế phát triển sạch đang chờ Liên hợp Quốc phê duyệt và có gần 160 dự án đã được đăng ký. Trong đó, năng lượng tái tạo, tái chế rác thải, xử lý phụ phẩm nông nghiệp, trồng rừng đều là những ngành tiềm năng của Việt nam khi tham gia vào cơ chế phát triển sạch. Hiện nay Việt nam đang tích cực thu hút nguồn hỗ trợ về tài chính, công nghệ và nhân lực từ để thực hiện các dự án không gây lượng khí thải nhà kính cao. Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Công ước của Liên hợp Quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết: “Hiện nay, nếu nói riêng về lĩnh vực thực hiện cơ chế phát triển sạch thì chúng ta cũng đã có những nghiên cứu, đánh giá tiềm năng của Việt nam. Phải nói, nếu chúng ta huy động hết tiềm năng có thể có được lượng giảm phát trên 250 triệu tấn CO2 và sắp tới có thể tăng hơn”.
Mặc dù mới thực hiện cơ chế phát triển sạch hơn 10 năm và việc sử dụng năng lượng tái tạo còn ở mức khiêm tốn nhưng Việt Nam đã góp phần quan trọng trên hành trình tuân thủ Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, Nghị định thư Kyoto, cũng như góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu./.