(VOV5) - Đại biểu Quốc hội ghi nhận Chính phủ đã điều hành nền kinh tế trên cơ sở đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu, tạo nền tảng cho giai đoạn tiếp theo tăng trưởng bền vững.
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đang tập trung bàn các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới. Đại biểu Quốc hội ghi nhận Chính phủ đã điều hành nền kinh tế trên cơ sở đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu, tạo nền tảng cho giai đoạn tiếp theo tăng trưởng bền vững.
Theo báo cáo của Chính phủ, tất cả 13 chỉ tiêu năm 2017 trong Nghị quyết của Quốc hội đề ra đều dự kiến đạt và vượt so với kế hoạch. Trong số đó, đáng chú ý là: Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu là 14,4%; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) là 6,7%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%. Kinh tế Việt Nam đang có nhiều điểm sáng ở cả khu vực sản xuất và xuất khẩu, Môi trường kinh doanh, tính cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện. Đây là tiền đề vững chắc, tạo đà phát triển kinh tế-xã hội những năm tiếp theo.
Chính phủ điều hành nền kinh tế năng động, linh hoạt
Kết quả đạt được là nhờ sự nỗ lực lớn của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành. nền kinh tế chủ động, linh hoạt, nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao các giải pháp của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường đấu tư, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác có hiệu quả các lợi thế trong các Hiệp định thương mại quốc tế… Ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, cho biết: “Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều động thái nhằm khuyến khích việc phát triển kinh tế. Động thái quan trọng là đối thoại với doanh nghiệp và có những quyết sách mới trong vấn đề tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Đấy là những vấn đề rất năng động trong phát triển kinh tế”.
|
Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp: từ việc rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật, đơn giản hóa thủ tục hành chính, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng
Việc đạt kết quả tăng trưởng khả quan cho thấy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bước đầu phát huy hiệu quả, giảm dần phụ thuộc vào khai thác nguồn tài nguyên. Ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho biết: “Từ trước tới nay tăng trưởng phụ thuộc lớn vào việc khai thác tài nguyên khoáng sản. Đến năm 2017 hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản có xu hướng giảm đi nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế lại tăng lên. Điều đó thể hiện rằng chúng ta đã có sự thay đổi về mô hình tăng trưởng đi theo hướng không lệ thuộc vào nguồn lực tài nguyên mà khai thác các nội lực như dịch vụ, nông nghiệp, công nghiệp”.
Các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh việc tiếp tục triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực. Ba lĩnh vực trọng tâm được xác định bao gồm tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu hệ thống tài chính-ngân hàng và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Trong bối cảnh hiện nay nền kinh tế tăng trưởng ổn định là rất cần thiết. Ông Bùi Văn Phương, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, cho biết: “Ưu tiên của chúng ta là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tôi thấy đó là điều cần thiết. Vì vậy vấn đề tăng trưởng chỉ cần giữ ở mức độ phù hợp mà tập trung cho nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế. Nếu chúng ta chỉ chạy theo tăng trưởng mà không cân nhắc kỹ các yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô thì chỉ được cái trước mắt nhưng sẽ bất ổn trung hạn và dài hạn. Tôi cho là đặt chỉ tiêu tăng trưởng 6,5 - 6,7% trong năm 2018 là có cơ sở khoa học và thực tiễn”.
Thảo luận tại nghị trường Quốc hội về vấn đề kinh tế-xã hội, các đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến trách nhiệm, tâm huyết cao. Mục tiêu tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng kinh tế đã và đang được Quốc hội Việt Nam hoạch định và thực hiện, đưa đất nước tiến lên.