(VOV5) - Năm nay, Liên hiệp quốc và các quốc gia thành viên kỷ niệm tròn 30 năm ngày Công ước luật Biển năm 1982 của LHQ (UNCLOS 1982) ra đời. Kể từ đó đến nay, UNCLOS 1982 không ngừng được pháp điển hóa và hoàn thiện cho phù hợp với nhu cầu thực tế.
Trong bối cảnh con người ngày càng tiến ra đại dương, nhu cầu khai thác lợi ích từ tài nguyên biển ngày càng cấp thiết, những tranh chấp nảy sinh giữa các quốc gia là khó tránh khỏi, thì UNCLOS 1982 đã trở thành văn bản pháp lý quan trọng, được coi là Hiến chương của thế giới về biển và đại dương. Với Việt Nam, kể từ khi phê chuẩn hay trong suốt quá trình tham gia Công ước, Việt Nam luôn nhất quán quan điểm là tôn trọng và thực thi theo đúng tinh thần của Công ước trong giải quyết các tranh chấp trên biển.
|
Khu dịch vụ hậu cần nghề cá ở đảo Đá Tây, Trường Sa, phục vụ cho ngư dân đánh bắt cá trên vùng biển thuộc quyền chủ quyền Việt Nam. (Ảnh: Thanhnien) |
Công ước luật Biển năm 1982 bao gồm 320 điều và 9 phụ lục, xác định một cách toàn diện quy chế pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển cũng như quy chế pháp lý của vùng biển quốc tế và đáy biển quốc tế.
Đồng thời, Công ước cũng quy định thành lập một loạt cơ chế quốc tế quan trọng liên quan đến hoạt động ở biển và đại dương như Tòa án quốc tế về luật Biển, Cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương, Ủy ban Ranh giới thềm lục địa.
Đặc biệt, liên quan đến các tranh chấp có thể nảy sinh giữa các thành viên, Công ước luật Biển năm 1982 đòi hỏi các quốc gia thành viên giải quyết mọi tranh chấp liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng công ước bằng các biện pháp hòa bình theo đúng quy định của Hiến chương Liên hiệp quốc. Cho đến nay, đã có 162 thành viên từ khắp châu Á, châu Phi, châu Âu, châu Mỹ và châu Đại dương tham gia Công ước.
Là một quốc gia ven biển, ngay từ những ngày đầu, Việt Nam đã tích cực tham gia vào quá trình thương lượng về dự thảo UNCLOS 1982. Sau khi UNCLOS 1982 được thông qua, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ký công ước và ngày 23/6/1994, Quốc hội Việt Nam đã chính thức quyết định phê chuẩn văn kiện pháp lý quan trọng này.
Lý giải cho việc ký kết UNCLOS 1982, ông Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ ngoại giao, Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện ngoại giao Việt Nam tại Liên hiệp quốc, cho rằng: "Liên hiệp quốc là diễn đàn toàn cầu, là diễn đàn lớn nhất, có sự tham gia của hầu hết các quốc gia trên thế giới và Liên hiệp quốc hoạt động trong tất cả các lĩnh vực của đời sống quốc tế, có tác động đến đời sống quốc tế và của từng nước. Những vấn đề mà Việt Nam quan tâm nhằm giải quyết hòa bình những tranh chấp, khác biệt giữa VN với các nước, thì Liên hiệp quốc cũng là diễn đàn quan trọng nhằm thực hiện yêu cầu của mình. Tinh thần của Công ước luật biển năm 1982 phù hợp với Việt Nam đó là Việt Nam luôn đề cao chủ trương giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình".
Với chủ trương nhất quán đó, trong suốt 18 năm là thành viên, Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ các cơ chế quốc tế theo Công ước. Việt Nam đã được bầu làm Phó chủ tịch Đại hội đồng Cơ quan Quyền lực quốc tế về đáy đại dương và thành viên của Hội đồng Cơ quan Quyền lực. Tại các diễn đàn liên quan, Việt Nam luôn khẳng định trong hoạt động sử dụng biển, các quốc gia phải tuân thủ đúng các quy định trong Công ước, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo Công ước. Việt Nam cũng nhiều lần khẳng định là một quốc gia ven biển Đông, Việt Nam triển khai nhiều hoạt động khai thác các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của mình để xây dựng và phát triển đất nước. Trong khi tiến hành các hoạt động ở biển Đông, Việt Nam luôn tuân thủ các quy định của Công ước, tôn trọng quyền của các quốc gia khác theo đúng các quy định của Công ước. Đồng thời, Việt Nam cũng yêu cầu các quốc gia ven biển Đông và các quốc gia khác tôn trọng các quyền lợi chính đáng của Việt Nam ở biển Đông. Đối với những vụ việc xâm hại nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình, Việt Nam đã kiên quyết đấu tranh ở các cấp qua đường ngoại giao để bảo vệ quyền chủ quyền của mình.
Căn cứ vào các quy định của UNCLOS 1982, đến nay Việt Nam cũng đã tiến hành đàm phán với các nước láng giềng về giải quyết một số tranh chấp về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa chồng lấn. Cụ thể, năm 1997, Việt Nam và Thái Lan ký Hiệp định phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước trong vịnh Thái Lan. Năm 2000, Việt Nam và Trung Quốc ký Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước trong vịnh Bắc bộ. Năm 2003, Việt Nam và Indonesia ký Hiệp định phân định thềm lục địa của hai nước ở phía nam biển Đông. Những hiệp định này đều được lưu chiểu tại Liên hiệp quốc theo đúng quy định của Hiến chương Liên hiệp quốc. Ông Lê Hoài Trung cho biết: "Việt Nam nêu rõ quan điểm, những nỗ lực của mình trong việc cùng các nước thực hiện nghiêm túc luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp, phân định ranh giới biển, phân định những chồng lấn, thể hiện chính sách của Việt Nam là rất thiện chí và nghiêm túc thực hiện luật pháp quốc tế, công ước luật biển của Liên hiệp quốc, thực hiện những thỏa thuận đã đạt được trong vấn đề hợp tác cũng như giải quyết những tranh chấp trên biển. Việt Nam cũng mong muốn của Việt Nam là tất cả các nước cùng giải quyết hòa bình những khác biệt còn lại trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có công ước luật biển của LHQ năm 1982".
Giải quyết các tranh chấp biển bằng các biện pháp hòa bình vừa là nghĩa vụ của các thành viên LHQ theo quy định của Hiến chương và vừa là nghĩa vụ theo Công ước luật Biển năm 1982. Với tinh thần đó, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục hành động theo chủ trương tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Công ước luật Biển năm 1982, đồng thời yêu cầu kêu gọi các quốc gia khác tuân thủ nghĩa vụ này. Lập trường đó của Việt Nam đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế./.