|
Tham vấn về chiến lược Tăng trưởng xanh của Việt Nam. Ảnh: Thu Hiền. |
(VOV5) - Việt Nam đang là một trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu. Để thực hiện mục tiêu chung tay cùng thế giới bảo vệ môi trường, Việt Nam đã chủ động xây dựng “Chiến lược tăng trưởng xanh” để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm phát thải nhà kính, chống lại mực nước biển dâng… nhằm phát triển kinh tế bền vững trong vòng 10 năm tới.
Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam khởi thảo. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược này là nhằm thay đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam thành một mô hình dựa trên việc phát thải các-bon thấp, sản xuất và tiêu dùng “xanh” cùng với tái cơ cấu nền kinh tế để tăng trưởng kinh tế gắn kết hiệu quả hơn với tiến bộ và công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Theo đánh giá của các nhà quản lý, Chiến lược tăng trưởng xanh sẽ là một giải pháp hữu hiệu không những chống biến đổi khí hậu, cải thiện môi trường mà còn tạo công ăn việc làm cho người lao động. Ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ khoa học giáo dục tài nguyên môi trường, Bộ Kế hoạch Đầu tư, cho biết: ”Đối với Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam thì chúng tôi tập trung vào ba mục tiêu chính. Đó là khuyến khích các ngành công nghiệp, những ngành kinh tế sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên với giá trị gia tăng cao, hạn chế, tiến tới xoá bỏ những ngành, nghề sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường. Thứ hai là ứng dụng và phát triển những công nghệ hiện đại nhằm sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải nhà kính để ứng phó với biến đổi khí hậu và mục tiêu thứ ba, xuyên suốt trong chiến lược này là nâng cao đời sống nhân dân, thông qua việc tạo việc làm từ các ngành công nghiệp xanh và cải thiện chất lượng sống thông qua việc xây dựng lối sống thân thiện với môi trường”.
Theo dự thảo của Chiến lược tăng trưởng xanh, không chỉ các cấp quản lý, các doanh nghiệp mà cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đều phải tham gia vào việc bảo vệ môi trường. Theo ông Phạm Hoàng Mai, yếu tố này sẽ từng bước làm thay đổi mô hình tăng trưởng ở Việt Nam hiện nay: “Tăng trưởng xanh ở Việt Namlà tăng trưởng dựa trên mô hình tăng trưởng tái cơ cấu lại nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng tài nguyên thiên thiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xoá đói giảm nghèo và tạo động lực để tăng trưởng kinh tế một cách bền vững”.
Mới chỉ là dự thảo nhưng Chiến lược tăng trưởng xanh đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều bộ, ngành và tổ chức xã hội. Ông Mai Đức Chính, Phó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi nhận thức và xác định rõ rằng, kinh tế xanh là nền kinh tế vô cùng cần thiết trong thời gian khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng sinh thái của VN. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ xây dựng Chiến lược cụ thể của công đoàn Việt Nam để tham gia một cách thiết thực và hiệu quả với Chính phủ trong quá trình chuyển và thực hiện nền kinh tế xanh để vừa tăng cường sức mạnh của nền kinh tế, vừa đảm bảo an sinh xã hội”.
Với chức năng quản lý Nhà nước về công nghiệp và thương mại, Bộ Công thương cũng đang xây dựng chiến lược riêng nhằm góp phần tạo ra một xã hội phát triển theo chiều hướng xanh. Ông Huỳnh Đắc Thắng, Phó vụ trưởng vụ Kế hoạch, Bộ Công thương, tại Hội thảo về Chiến lược tăng trưởng xanh tổ chức mới đây tại Hà nội, cho biết Bộ Công Thương sẽ tìm cách khuyến khích xã hội sử dụng năng lượng tái tạo.” Thực tế cho thấy là cùng với việc tăng trưởng mạnh về kinh tế trong thời gian qua, nhu cầu sử dụng năng lượng cũng tăng lên một cách nhanh chóng. Việc quảng bá, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo không chỉ tác động đến nền kinh tế xanh mà còn mở rộng phục hồi được thị trường nhân công. Những công việc được tạo ra hoặc được duy trì bằng quá trình đầu tư về kỹ thuật, tiến trình sản xuất năng lượng tái tạo sẽ sinh ra những việc làm mới”.
Theo kế hoạch, Chiến lược tăng trưởng xanh sau khi được Chính phủ thông qua vào tháng sáu tới, sẽ được thực hiện từ nay đến năm 2020. Ước tính sau 10 năm nữa, mức tiêu hao năng lượng tính theo GDP của Việt Nam sẽ giảm khoảng 3% mỗi năm, cường độ phát thải khí nhà kính của VN sẽ giảm 5% so với hiện tại. Chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam được kỳ vọng là công cụ thúc đẩy quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua nghiên cứu và áp dụng công nghệ hiện đại, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng để nâng cao hiệu quả nền kinh tế đồng thời ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo, và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững./.