(VOV5)- Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành đối tác ngày càng quan trọng của nhau trong tất cả các lĩnh vực.
Tiếp nối đà phát triển quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản, hôm nay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu có các hoạt động đầu tiên trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Shinzo Abe. Trong khuôn khổ chuyến thăm kéo dài đến ngày 15/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng tham dự Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 40 năm Quan hệ đối thoại ASEAN - Nhật Bản, Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ năm tại Tokyo.
Sau 40 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 9/1973, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển rất mạnh mẽ. Tài sản chung quý giá của hai đất nước chính là sự tin cậy lẫn nhau và sự hợp tác toàn diện, thể hiện qua việc hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với sự nhất trí cao của lãnh đạo và sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân hai nước.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm chính thức Việt Nam tháng 1/2013
Đối tác ngày càng quan trọng của nhau
Việt Nam và Nhật đã trở thành đối tác ngày càng quan trọng của nhau trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao, kinh tế-thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển đến phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, văn hóa, giao lưu nhân dân…
Về chính trị, quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng được củng cố và nâng lên tầm cao mới, tiêu biểu là việc hai nước nhất trí nâng cao khuôn khổ quan hệ lên Đối tác chiến lược, vì hòa bình ổn định ở Châu Á vào năm 2009. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc, góp phần củng cố sự tin cậy chính trị giữa hai nước và đưa ra những chỉ đạo về phương hướng lớn cũng như các biện pháp cụ thể thúc đẩy hợp tác song phương.
Về kinh tế, Nhật Bản đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam hiện nay. Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất cả về số vốn đăng ký và số giải ngân cũng như số lượng dự án. Về thương mại, Nhật Bản là đối tác song phương lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch đạt 24,7 tỷ USD trong năm 2012. Hai nước đã ký kết nhiều thỏa thuận trong đó có Hiệp định đối tác về hợp tác kinh tế Việt – Nhật đã tạo điều kiện thuận lợi và hành lang pháp lý cho các hoạt động hợp tác kinh tế. Hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học, công nghệ, văn hóa, thể thao, quốc phòng, an ninh biển…, diễn ra cũng rất sôi động. Đánh giá về quan hệ Việt Nam-Nhật Bản hiện nay, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, cho rằng: Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển rất mạnh mẽ. Tài sản chung quý giá của hai đất nước chính là sự tin cậy lẫn nhau và sự hợp tác toàn diện, thể hiện qua việc hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với sự nhất trí cao của lãnh đạo và sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân hai nước. Đây là nền tảng quan trọng để đưa hợp tác Việt – Nhật ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn trong thời gian tới, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phồn vinh ở khu vực và thế giới.
Sự gần gũi về địa lý, quan hệ gắn bó lâu đời trong lịch sử cùng với những lợi ích chiến lược trong giai đoạn hiện nay khiến Việt Nam và Nhật Bản ngày càng xích lại gần nhau hơn. Không chỉ dành cho nhau sự ưu tiên hợp tác ở mức cao nhất trong lĩnh vực kinh tế, giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng mật thiết. Tình hữu nghị của nhân dân hai nước thể hiện sinh động qua sự cảm thông, ủng hộ nhiệt thành của nhân dân Việt Nam với người dân và đất nước Nhật Bản trong những giờ phút khó khăn sau trận động đất, sóng thần vào tháng 3/2011. Chưa bao giờ ở Việt Nam lại có một cuộc quyên góp sâu rộng và thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia đến vậy. Lý giải điều này, ông Nghiêm Vũ Khải, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản, cho biết: Quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nhà nước được thiết lập cách đây vừa tròn 40 năm nhưng quan hệ ngoại giao nhân dân đã có trên 400 năm. Trong quá trình lịch sử, hai dân tộc có nhiều điểm tương đồng mà như nhà yêu nước, nhà cách mạng Phan Bội Châu, người khởi xướng phong trào Đông Du năm 1905 đã nói : Việt Nam và Nhật Bản là đồng văn, đồng chủng, đồng châu. Càng trong quá trình phát triển quan hệ, hai dân tộc càng phát hiện ra nhiều điểm tương đồng và làm cho những sự tương đồng đó ngày càng sâu sắc hơn.
Nhiều hoạt động giao lưu văn hóa được diễn ra nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Nhật
Cùng hợp tác, cùng phát triển
Có thể thấy, quan hệ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản được như hiện nay là kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ và nhân dân hai nước suốt 40 năm qua. Trong thời gian tới, lãnh đạo hai nước đã thỏa thuận tiếp tục hợp tác triển khai nhiều chương trình, dự án quan trọng như Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030, hai bên đang tiến những bước vững chắc trong việc thực hiện mục tiêu đề ra trong Tuyên bố chung năm 2011 là tăng gấp đôi kim ngạch thương mại sau 10 năm…Nhật Bản cũng luôn coi Việt Nam là một đối tác quan trọng trong khu vực. Vì vậy, chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần này thêm một lần làm quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản phát triển sâu sắc hơn, đem lại lợi ích cho cả hai nước./.