(VOV5) - Đại hội xác định đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Hôm nay, đại hội công đoàn Việt Nam lần thứ XII, sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp công nhân và người lao động, khai mạc tại Hà Nội. Với khẩu hiệu “Đổi mới, dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm”, Đại hội xác định đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Ảnh minh họa
|
Việt Nam hiện có 10 triệu đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động. Sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa càng đi vào chiều sâu thì càng có dịp để khẳng định vị thế, vai trò của giai cấp công nhân.
Trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, không ai khác, chính giai cấp công nhân Việt Nam sẽ đi đầu trong cuộc cách mạng này.
Thách thức của thời đại
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tác động sâu sắc đến sản xuất, đời sống, việc làm của người lao động (NLÐ). Trong nước, bức tranh về kinh tế - xã hội được đánh giá có những diễn biến thuận lợi, khởi sắc với những dự báo tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, cũng có không ít khó khăn đan xen, sẽ tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với NLÐ. Điều này đòi hỏi công đoàn Việt Nam phải tập trung đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, nâng cao năng lực đại diện, chăm lo lợi ích đoàn viên, bảo vệ quyền lợi NLÐ. Ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, cho biết: "Nhiệm kỳ 2018 - 2023 là nhiệm kỳ nhiều thách thức với tổ chức công đoàn Việt Nam. Chúng ta tham gia nhiều Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới, triển khai các nghị quyết, chủ trương của Đảng tạo điều kiện tốt cho công đoàn. Ngoài ra là những tồn tại của công đoàn cũng đang đặt ra những thách thức để chúng tôi tập trung thực hiện trong thời gian tới".
Xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh
Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng cộng sản Việt Nam nêu rõ cần quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động của công nhân; bảo đảm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc, nhà ở, các công trình phúc lợi phục vụ công nhân; sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp,... nhằm bảo vệ quyền lợi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của công nhân.
Trên định hướng đó cùng với việc xác định rõ những thách thức đặt ra trong việc xây dựng đội ngũ công nhân, thời gian tới, công đoàn Việt Nam đặt mục tiêu thực hiện thật tốt chức năng đại diện quyền lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động, đoàn viên công đoàn Việt Nam; thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục để xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh trong thời kỳ tới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Ngoài ra là đẩy mạnh các hoạt động thi đua yêu nước để động viên công nhân lao động cả nước đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, bảo về Tổ quốc. Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, ông Bùi Văn Cường cho biết: "Để thực hiện các nhiệm vụ này, chúng tôi xác định 3 đột phá chiến lược. Thứ nhất là đổi mới phương thức, tích cực chăm lo lợi ích đoàn viên, đại diện bảo vệ người lao động. Thứ 2 là xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn nhất là Chủ tịch công đoàn các cấp, trong đó Chủ tịch công đoàn các doanh nghiệp ngoài nhà nước là thủ lĩnh người lao động. Thứ 3 là xây dựng công đoàn đủ mạnh để công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ của mình gắn với đẩy mạnh truyền thông về công đoàn Việt Nam. Đây là 3 nhiệm vụ mang tính đột phá chúng tôi sẽ tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ 2018 - 2023".
Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đang bước vào Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, với yêu cầu hội nhập sâu rộng và đổi mới. Việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và công đoàn các cấp nhận thức rõ và quan tâm sâu sát hơn tới người lao động sẽ góp phần để giai cấp công nhân phát huy được tính tiên phong, nắm bắt tri thức mới, giúp Việt Nam lên kịp chuyến tàu Cách mạng công nghiệp 4.0 với các nước trong khu vực và thế giới.