Xây dựng kinh tế biển Việt Nam

                          

(VOV5) -  Diễn đàn Thương hiệu biển Việt Nam lần thứ 4 với chủ đề: “Tiềm năng kinh tế và sinh thái môi trường các đảo, quần đảo Việt Nam” trong khuôn khổ Tuần lễ biển và hải đảo đang diễn ra tại tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu, là sự kiện ý nghĩa tiếp nối các nỗ lực tập xây dựng thương hiệu biển và phát triển kinh tế biển đảo của các ngành, các cấp, các địa phương của Việt Nam.


Xây dựng kinh tế biển Việt Nam - ảnh 1
Đông đảo đại biểu dự diễn đàn thương hiệu biển Việt Nam. Ảnh: dantri.com.vn


Với diện tích vùng biển và thềm lục địa rộng hơn 1 triệu km2, lại có chiều dài bờ biển hơn 3.260 km với khoảng 4.000 đảo lớn nhỏ phân bổ hầu hết các tỉnh ven biển từ Bắc đến Nam, Việt Nam có tiềm năng dồi dào về kinh tế biển. Xuất phát từ những điều kiện này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược biển đến năm 2020, trong đó xác định kinh tế biển, đảo là một trong năm đột phá về tăng trưởng, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển vùng biển, ven biển, hải đảo và phát triển nội địa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mục tiêu là đến năm 2020, kinh tế biển Việt Nam phải đạt trên 53%-55% GDP và đóng góp hơn 60% vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Thực tế là Việt Nam mới đang bước vào giai đoạn bắt đầu của việc khai thác tiềm năng biển. Việc xây dựng và phát triển thương hiệu biển Việt Nam sẽ là đòn bẩy hữu hiệu, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững, phát huy thế mạnh của kinh tế biển nói chung và kinh tế hải đảo nói riêng. Ông Nguyễn Chu Hồi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam khẳng định Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã định hướng rõ về vấn đề này và đang thực hiện những việc làm cần thiết để xây dựng thương hiệu biển Việt Nam: "Thương hiệu biển là thương hiệu nền kinh tế, thương hiệu cho các doanh nghiệp, thương hiệu cho các mặt hàng sản xuất từ biển. Để làm tốt thương hiệu biển, chúng tôi đã  xây dựng lô gô cho thương hiệu biển chung và xây dựng giấy chứng chỉ xanh cho những vùng biển, cho những doanh nghiệp và cho những  ngành hoạt động trên biển bảo đảm vấn đề tài nguyên môi trường hay nói cách khác theo hướng phát triển bền vững. Một điểm nữa, đã có công dân biển, đã có thương hiệu biển và đã có quy hoạch tốt về không gian thì chúng ta phải tiến hành kiểm tra giám sát, thực thi có hiệu quả trên biển. Mục đích cuối cùng của chúng ta là biến tài nguyên biển thành tài sản".

Thương hiệu biển Việt Nam được nhìn nhận như là sự hòa quyện giữa con người và các lợi ích từ biển, cũng như hình ảnh những vùng ven biển, từng hải đảo, sản phẩm do con người tạo dựng ra. Cùng với những nỗ lực của Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang trình Chính phủ ban hành nhiều quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Thương hiệu biển cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam cũng đang được các ngành chức năng xúc tiến xây dựng, trong đó yếu tố về chất lượng được đặt lên hàng đầu.

Để đạt được các mục tiêu trong chiến lược kinh tế biển, bên cạnh việc nỗ lực xây dựng thương hiệu biển thì cần thiết phải tổ chức được không gian cho phát triển kinh tế biển đảo. Về điều này, ông Nguyễn Chu Hồi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, cho rằng: "Chúng ta phải xác định đúng, trúng đâu là vùng kinh tế động lực để phát triển kinh tế biển, tức là chúng ta phải tổ chức lại không gian kinh tế biển, trên cái mối quan hệ lấy kinh tế làm trục phát triển chính để giải quyết các mối quan hệ giữa kinh tế với an ninh, quốc phòng, giữa kinh tế với tài nguyên biển và môi trường vùng ven biển, hải đảo, giữa kinh tế với các vấn đề xã hội phải gắn kết với nhau.Tổng cục Biển và Hải đảo đang tiến hành quy hoạch sử dụng không gian biển, gọi tắt là quy hoạch sử dụng biển đảo giống như quy hoạch sử dụng đất để làm căn cứ cho các ngành kinh tế biển điều chỉnh lại bình độ phát triển của ngành mình trong thời gian tới".

Bên cạnh đó, nhờ vào yếu tố thuận lợi về vị trí địa lý, sự phong phú các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên các đảo và các vùng biển bao quanh, hiện những ngành kinh tế đặc trưng như: nghề cá, du lịch, dịch vụ biển… đang phát triển mạnh và trở thành nguồn thu nhập chính của người dân các địa phương ven biển. Trong điều kiện nguồn lực tài chính hạn chế, trước mắt, Chính phủ tập trung xây dựng một số đảo có điều kiện để tạo sự bứt phá, nhanh chóng hình thành các sản phẩm mũi nhọn phù hợp với lợi thế như du lịch, dịch vụ biển, khai thác và nuôi trồng thủy sản… để nâng cao mức đóng góp của kinh tế biển, đảo vào cơ cấu kinh tế nói chung. Theo khảo sát của ngành nông nghiệp, hiện nhiều đảo có tiềm năng đã và đang có sự chuyển dịch mạnh về kinh tế, tạo nguồn thu không nhỏ và là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của nhiều địa phương.

Chiến lược biển đến năm 2020 là định hướng quan trọng trong phát triển kinh tế biển đảo của Việt Nam. Những hoạt động của các ngành, các cấp thời gian qua cho thấy Chiến lược này đã được triển khai trên thực tế với nỗ lực xây dựng thương hiệu biển và nâng cao mức đóng góp của kinh tế biển, đảo vào cơ cấu kinh tế nói chung. Việc tiếp tục tạo dựng và khai thác tốt giá trị của thương hiệu biển Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững và phát huy thế mạnh của kinh tế biển Việt Nam trong tương lai./.

Phản hồi

Các tin/bài khác