Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa, tư duy lý luận về văn hóa có bước phát triển, đời sống văn hóa ngày càng phong phú. Các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được kế thừa và phát huy. Giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa được quan tâm và có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, so với những thành tựu trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại thì thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa thực sự tương xứng. Tới đây, phải tiếp tục, kế thừa, bổ sung và phát triển những quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa đã được nêu trong Nghị quyết TW 5 khóa VIII, đồng thời nhấn mạnh tư tưởng: văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực và nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển bền vững đất nước.
Chú trọng xây dựng nhân cách, đạo đức con người
Trung ương khẳng định bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa được vun đắp qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn; lòng tự tôn, tự cường dân tộc; tinh thần cộng đồng gắn kết hài hòa giữa cá nhân, gia đình, làng xã, Tổ quốc; lòng nhân ái bao dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; là đức hy sinh cao thượng tất cả vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; là sự ứng xử văn minh, lịch sự, tính giản dị và trong sạch trong lối sống. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Trong xây dựng văn hóa phải lấy xây dựng, phát triển con người có nhân cách, đạo đức, có lối sống tốt đẹp làm trọng tâm; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh làm cốt lõi. Hướng các hoạt động văn hóa vào việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, ý thức công dân, tuân thủ pháp luật, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách. Đưa nội dung giáo dục đạo đức con người, đạo đức công dân vào các hoạt động giáo dục của xã hội”.
Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng
Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Nền văn hóa mà Việt Nam xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với những đặc trưng tiêu biểu là dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Nền văn hóa Việt Nam tiên tiến là một nền văn hóa yêu nước và tiến bộ mà nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tinh hoa văn hóa nhân loại nhằm mục tiêu tất cả vì con người, tất cả vì tự do, hạnh phúc và sự phát triển phong phú, toàn diện cho mỗi con người trong mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa con người và tự nhiên. Khuyến khích, nhân rộng cái đúng, cái tốt, cái tích cực; bảo vệ các giá trị nhân văn trong đời sống xã hội. Đấu tranh đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu; chống các quan điểm sai trái gây ảnh hưởng xấu đến xây dựng văn hóa và ổn định xã hội”.
Chủ động giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng xu thế toàn cầu hóa phát triển mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác, giao lưu quốc tế không ngừng tăng lên trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội. Không những thế, đối tượng hợp tác, phương thức hợp tác, mức độ hợp tác về văn hóa cũng trở nên đa dạng, linh hoạt và thực chất hơn. Để tăng cường hợp tác quốc tế về văn hóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa. Tăng cường nguồn lực cho văn hóa. Tập trung đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa trong điều kiện hội nhập quốc tế. Tiếp thu tinh hoa văn hóa và kinh nghiệm phát triển, quản lý văn hóa của các nước trên thế giới”.
Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Cách mạng Việt Nam. Những định hướng của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về văn hóa có tầm quan trọng đặc biệt, có tính chiến lược lâu dài về xây dựng và phát triển văn hóa của Việt Nam, thể hiện tầm vóc, trí tuệ, bản lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới./.