(VOV5)- Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội khoá XIII thông qua tại kỳ họp thứ 6 có nhiều điểm mới, nhất là những nội dung chưa phù hợp với thực tiễn xã hội về thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội, định giá đất... Việc luật được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ tháng 7/2014 tạo cơ sở pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, đảm bảo không lãng phí tài nguyên đất.
Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua sau khi thảo luận tại 3 kỳ họp Quốc hội với nhiều lần chỉnh sửa. Những nội dung trong Luật được chắt lọc, tiếp thu để phù hợp với Hiến pháp vừa được thông qua, phù hợp với Cương lĩnh đất nước thời kỳ đổi mới.
Xây dựng hệ thống quản trị tốt hơn
Thành tựu lớn nhất của Luật Đất đai là đã đưa ra được những chỉ tiêu của một hệ thống quản trị tốt; một cơ chế minh bạch, công khai. Luật đã bổ sung một số trường hợp thu hồi đất, làm rõ thẩm quyền các cấp để tránh tùy tiện trong thu hồi đất. Luật cũng quy định các trình tự, thủ tục cưỡng chế thu hồi đất để áp dụng thống nhất trong cả nước. Bên cạnh đó, quy hoạch sử dụng đất cũng thay đổi theo hướng chuyển từ quy hoạch theo tổng diện tích sang quy hoạch phân vùng. Đây là sự chuyển đổi cần thiết, tạo ra công cụ tốt để quản lý phát triển.
|
Đáng chú ý, Luật Đất đai (sửa đổi) bổ sung quy định về theo dõi biến động giá đất và quy định tỷ lệ biến động giá đất thị trường để điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất. Theo đó, Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 05 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng. Luật cũng bổ sung quy định về sự tham gia của cơ quan tư vấn giá đất trong Hội đồng thẩm định giá đất. Đây là một bước tiến bộ vì sự tham gia của cơ quan định giá độc lập có thể góp phần làm cho việc định giá đất khách quan hơn. Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, ông Đinh Xuân Thảo cho biết:“Giá đất cũng là một trong những nội dung quan trọng của Luật Đất đai sửa đổi lần này. Nói về định giá đất thì về nguyên tắc ai là chủ tài sản thì người đó có quyền định giá đất. Nhà nước đại diện cho toàn dân là chủ sở hữu về đất đai thì vai trò quyết định giá đất phải là vai trò của Nhà nước. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan thì có cơ quan tư vấn độc lập. Sau đó, Chủ tịch Ủy ban lại có quyền tham vấn thêm các chuyên gia tư vấn độc lập. Như vậy việc xác định giá đất ở đây là khách quan hơn.”
Điểm mới nữa trong Luật Đất đai đáp ứng nguyện vọng của người dân, phù hợp với xu thế sản xuất lớn là thời gian giao sử dụng đất trong nông nghiệp tăng lên. Trước đây quy định là 20 năm, thì nay cho phép 50 năm. Sau đó, nếu còn có nhu cầu có thể được gia hạn tiếp.
Góp phần hạn chế tình trạng khiếu kiện và tham nhũng
Một trong những yêu cầu đặt ra với Luật Đất đai (sửa đổi) là giải quyết tranh chấp, khiếu kiện của công dân, mà cốt lõi là giải quyết những mâu thuẫn phát sinh từ việc thu hồi đất và bồi thường tái định cư. Trên thực tế, 70- 80% đơn khiếu kiện, tố cáo trong thời gian qua liên quan tới lĩnh vực đất đai. Do vậy, việc quy định về thu hồi đất, định giá đất, bồi thường đất... khá cụ thể trong luật lần này sẽ thuận lợi cho người thi hành công vụ liên quan đến đất đai và người dân chấp hành pháp luật về đất đai. Đồng thời, Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đã hoàn thiện các quy định nhằm tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình lập, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nhằm công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng đất. Điều này sẽ tác động tích cực làm hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai. .
Những điều kiện để Luật Đất đai sửa đổi sớm đi vào cuộc sống
Có thể khẳng định Luật Đất đai sửa đổi đã có nhiều điểm mới. Để thuận tiện cho việc áp dụng luật và giải quyết các mâu thuẫn phát sinh từ quan hệ đất đai thì những nguyên tắc căn bản đã được Luật khẳng định phải được thực thi bởi bộ máy chính quyền công tâm. Song song với đó là việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành. Bà Võ Thị Hồng Thoại, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nêu ý kiến: “Tôi hi vọng Chính phủ sẽ chỉ đạo tổ chức thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước và quan trọng hơn là việc tổ chức thực hiện phải thống nhất. Những chế định trong luật về cơ bản đã giải quyết được những vướng mắc trong thời gian qua, đó là vấn đề thu hồi đất, vấn đề công khai minh bạch, vấn đề quy định giá đất, vấn đề quy hoạch sử dụng đất những vấn đề đó cũng được thảo luận khá chi tiết. Tôi tin là sắp tới sẽ được triển khai tốt trong đời sống xã hội.”
Cùng với Hiến pháp (sửa đổi), việc Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực từ tháng 7/2014 sẽ là công cụ pháp lý hữu hiệu trong việc khắc phục những tồn tại trong quản lý và sử dụng đất đai hiện nay, góp phần khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất./.