(VOV5) - Những lá thư thời chiến là những bằng chứng vô giá nối tình cảm giữa hậu phương và tiền tuyến, cũng như gắn kết quá khứ, hiện tại với tương lai.
Lịch sử của dân tộc đã chứng minh tinh thần anh dũng, quả cảm của những người chiến sĩ. Họ đã sống, chiến đấu và hy vọng bằng tình yêu, bằng những kỷ vật thiêng liêng. Những lá thư thời chiến là những bằng chứng vô giá nối tình cảm giữa hậu phương và tiền tuyến, cũng như gắn kết quá khứ, hiện tại với tương lai.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Thiếu tướng Phan Văn Lai, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cách đây mấy chục năm khi vào chiến trường Miền nam đã để lại ở nhà người mẹ cùng với vợ và 3 đứa con trai nhỏ. Thời đó, hầu hết các gia đình đều giống như gia đình ông, người thân phải xa nhau, người đi, kẻ ở. Ông Lai bồi hồi nhớ về những năm tháng chuẩn bị kên đường vào Nam và sau đó, những bức thư từ chiến tường gửi về và ngược lại chính là sợi dây gắn kết tình cảm của ông với gia đình:“Viết thư thì viết mấy câu thơ thôi. Ví dụ tôi viết cho bà xã mấy câu
Xa em muôn dặn nghìn trùng/ nghĩa tình chung thủy sắc son tạc lòng
Với mấy đứa con tôi viết thế này
Tương lai thắng lợi về ta
Thanh bình nước thịnh yên vui thái hòa
Bài thơ có tên mình, tên vợ và con mình”
Thiếu tướng Phan Văn Lai |
Cho tới giờ, khi đọc những vần thơ viết trong thư cho gia đình, ông vẫn tràn đầy cảm xúc. Những bức thư chân thật, giản dị, được viết từ trái tim là những kỷ vật vô giá, lưu giữ những tình cảm trong chiến tranh. Những bức thư gửi vào miền Nam, xem xong và gửi trả lại đã được gia đình ông cất giữ cẩn thận cho tới ngày nay. Những lá thư ố vàng, không còn nguyên vẹn và phải khôi phục lại. Ngay cả những nhân chứng cũng không nghĩ rằng giữ được những lá thư ấy. Đại tá Nguyễn Ích Trung, Phó ban liên lạc cán bộ công an chi viện miền Nam nói:“ Kỷ vật chúng tôi không nghĩ đưa vào kỷ vật, thứ vui vui để làm kỷ niệm khi khai thác ra thì thấy ý nghĩa cho con cháu sau này. Chuyển cho Bảo tàng Hà Nội để ghi danh, để lớp sau hiểu trong cuộc kháng chiến có khó khăn trở ngại thế nào. Trong kia, năm bảy tháng mới được 1 thư, nhưng đơn vị người ra vào liên tục nên thông tin đến nhà”.
Những lá thư là những lời tâm tình của những người chiến sĩ với người thân yêu của mình nơi hậu phương. Đó cũng chính là khoảng lặng bình dị và chân thực nhất của người chiến sĩ. Một thời hào hùng, bi tráng, với tình yêu của tuổi trẻ, tình cảm vợ chồng, tình cha con, gia đình được khắc họa qua những lá thư, phản ánh chân thực đời sống tình cảm của người chiến sĩ. Đó cũng chính là sự tri ân của thế hệ hôm nay với cha anh của mình. Nhà văn, đại tá Đặng Vương Hưng, tác giả đạt giải Tôn vinh cho bộ sách Mãi mãi tuổi hai mươi chia sẻ:“ Tôi nói những dạng thư trước đây không bao giờ xuất bản và người dân viết thư đó không bao giờ nghĩ là mình làm sách nên chính nhân dân là người chép nên bộ sử của những lá thư thời chiến Việt Nam. Chép sử hồn nhiên, không chủ ý, trung thực nên không có nhà văn nào hư cấu được điều đó.. Trung thực hấp dẫn bạn đọc trung thực trong niềm vui, nỗi buồn, tình yêu, trung thực cả khi nghĩ đến cái chết. Liên quan đến số phận của người lính, của gia đình họ và cao hơn là số phận của cả dân tộc”
Đại tá Nguyễn Ích Trung |
Gìn giữ những lá thư, kỷ vật của những người lính và gia đình chiến sĩ, trong đó có nhiều thư khi gửi về hậu phương thì người lính đã nằm lại chiến trường mãi mãi là sự ghi nhận cống hiến cũng như sự tri ân đối với thế hệ trước. Cho tới giờ, những kỷ vật này là những bằng chứng về một thời kỳ hào hùng của dân tộc. Tình cảm con người, tình yêu đôi lứa luôn luôn đẹp, nhưng đẹp hơn, sâu sắc hơn khi xa cách nhau vạn dặm, họ vẫn mong ngóng và khát khao tới ngày đoàn tụ. Đó là những giá trị nhân văn, có tác dụng giáo dục cho thế hệ sau sống có trách nhiệm hơn với cha anh mình. Đúng như đại tá Phạm Hồng Thái, Giám đốc Nhà xuất bản Công an nhân dân bày tỏ:“ Đấy là những lá thư của người chiến sĩ gửi về và từ nhà gửi ra chiến trường. Những lá thư vẫn còn tồn tại hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày, trở thành kỷ vật nối quá khứ với hiện tại, giáo dục truyền thống…Trong lực lượng công an nhân dân có nhiều kỷ vật liên quan tới chiến đấu. Chúng tôi có ý tưởng sưu tầm, lưu giữ lâu dài không để tản mát ở các gia đình, có giá trị lớn về mặt tư liệu lịch sử, giáo dục đạo đức, tư tưởng lối sống cho các thế hệ sau này”.
|
Chiến tranh đã lùi xa nhiều thập kỷ. Có thể những kỷ niệm, những câu chuyện, những con người sẽ không được nhắc thường xuyên hoặc sống trong lòng người thân của các chiến sĩ. Nhưng kỷ vật lưu giữ sẽ sống mãi với thời gian, sẽ nhắc thế hệ sau về một thời kỳ hào hùng của dân tộc. Những lá thư thời chiến mang giá trị văn hóa, giá trị giáo dục sâu sắc cho thế hệ hôm nay.